Hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể trở lại trạng thái bình thường mới

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang đang khôi phục và nâng cao chất lượng hoạt động, giúp mạng lưới hợp tác xã đạt hiệu quả sản xuất – kinh doanh khi tỉnh đang chuyển sang trạng thái bình thường mới.
vna-potal-tien-giang-hieu-qua-cua-mo-hinh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nong-nghiep-105430864-stand-1635745150.jpg
Các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang đang triển khai hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển trên các lĩnh vực như: đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…Từ đó, khôi phục và nâng cao chất lượng hoạt động, giúp mạng lưới hợp tác xã đạt hiệu quả sản xuất – kinh doanh khi tỉnh đang chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang phối hợp Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam đào tạo 21 cán bộ kế toán hợp tác xã trình độ trung cấp, hướng dẫn 40 hợp tác xã cài đặt và tập huấn phần mềm kế toán MISA.SME 2022 cũng như hỗ trợ các hợp tác xã đăng ký thông tin, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại trên cổng thông tin kết nối cung – cầu sản phẩm hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, 6 hợp tác xã cũng được vay vốn từ Quỹ Đầu tư và Phát triển thông qua 11 dự án phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ gần 7,5 tỷ đồng.

Trong các tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 tạm thời ổn định và tỉnh khôi phục dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang tiếp tục mở thêm 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, điều hành và thành viên hợp tác xã nhằm góp phần kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới hợp tác xã và quỹ tín dụng trên địa bàn.

Riêng trên lĩnh vực phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về bản chất, vai trò kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp – nông dân – nông thôn phát triển bền vững và hội nhập.

Đồng thời, triển khai sâu rộng Chương trình hỗ trợ Hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, địa phương hiện có nhiều giải pháp hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển, đóng vai trò động lực đổi mới nông nghiệp – nông dân – nông thôn, giúp Gò Công Tây xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Theo đó, huyện hỗ trợ các Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh Tổng hợp Bình Tây (xã Thạnh Nhựt) và Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Nông thôn Bình Nhì (xã Bình Nhì) chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, giúp kiện toàn cán bộ quản lý, nâng cao năng lực điều hành, tư vấn phương án sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19; hỗ trợ liên kết tiêu thụ và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa…

Đồng thời, Gò Công Tây cũng chọn Hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân) và Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quí (xã Vĩnh Hựu) tham gia giai đoạn I của Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ngày 03/02/2021.

Hiện nay, Gò Công Tây được đánh giá là địa phương đi đầu tỉnh Tiền Giang trên lĩnh vực phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư trong năm 2021, các hợp tác xã rau an toàn Gò Công Tây cũng gia tăng sản lượng rau cung ứng thị trường mỗi ngày từ 3-4 tấn/hợp tác xã phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 và đang tích cực triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân tới trong điều kiện bình thường mới thời hậu COVID-19.

Qua đó, khẳng định tính tất yếu và hiệu quả con đường làm ăn tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn và góp phần giúp Gò Công Tây xây dựng và ra mắt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Còn theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, mặc dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng lĩnh vực kinh tế hợp tác tại Tiền Giang vẫn có hướng phát triển với sự thành lập thêm nhiều hợp tác xã mới, thu hút lao động, việc làm và đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu chung của nền kinh tế địa phương.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập thêm 14 hợp tác xã trong đó có 12 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã vận tải, thu hút 226 thành viên và vốn góp trên 17 tỷ đồng. Nâng toàn tỉnh hiện có 239 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; tăng hơn 27 hợp tác xã so với cùng kỳ năm trước và vượt 6,22% so kế hoạch cả năm 2021.

Tổng nguồn vốn hoạt động của các hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh Tiền Giang đạt trên 6.505 tỷ đồng. Qua đó, đã quy tụ trên 79.000 thành viên, giải quyết công ăn việc làm cho gần 27.600 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,6 triệu đồng/ người/tháng./.