Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, niên vụ 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có hơn 130.000 ha cà phê và cần khoảng 13 triệu công lao động phục vụ thu hái. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động từ ngoài tỉnh không vào địa bàn thu, hái cà phê như những năm trước, do đó, nguy cơ khan hiếm nhân công là rất lớn.
Để chuẩn bị tốt thu hái, sơ chế, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật, giảm thất thoát, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông khuyến khích người dân phát huy nguồn lao động tại chỗ. Các địa phương tiến hành thành lập các tổ, đội, nhóm thu hoạch để thực hiện đổi công, thuê mướn; nghiên cứu, rà soát, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia tổ, nhóm sản xuất, thu hoạch, sơ chế… theo quy định.
Bên cạnh đó, địa phương cần rà soát lực lượng lao động chưa có việc làm trên địa bàn tiếp cận thông tin để giới thiệu cho các hộ nông dân trên cơ sở thỏa thuận về chi phí ngày công hợp lý; tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên…
Ông Nguyễn Văn Ái, tại thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, gia đình có 1,2 ha cà phê đang đến độ thu hoạch. Những năm trước, gia đình ông Ái thuê nhân công tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đến địa bàn hái cà phê theo thời vụ. Thế nhưng, năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, những nhân công này không thể đến tỉnh Đắk Nông để thu hái cà phê được. Mặc dù gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng chỗ ăn, ngủ cho lao động thực hiện “3 tại chỗ” và gửi tiền để xét nghiệm COVID-19, thế nhưng nhiều lao động vẫn từ chối.
“Mọi năm tôi thuê 6 lao động để hái cà phê với giá khoảng 300.000 đồng/ngày công. Năm nay, dù gia đình đã ra giá nhiều hơn nhưng vẫn khó khăn để thuê nhân công”, ông Ái chia sẻ.
Trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều lao động tại các tỉnh phía Nam quay trở về địa phương sinh sống. Hiện nay, nhiều người dân đang có nhu cầu tìm việc. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc lực lượng lao động phía Nam trở về địa phương, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Để giải quyết việc làm cho các đối tượng này, đồng thời, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công khi mùa vụ đến. Tỉnh Đắk Nông đang giao các địa phương kết nối người lao động với các nhà vườn khi vào vụ mùa nông sản, giới thiệu tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập.
Dự kiến, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Nông ước đạt trên 330.000 tấn. Tỉnh có trên 18.700 ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như VietGAP, 4C, UTZ, Flo… Đắk Nông hiện có diện tích cà phê đứng thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên. Sản phẩm cà phê chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản./.