Mặc dù xuất khẩu nhiều nông sản, nhưng Thái Lan cũng phải nhập khẩu một lượng lớn rau, củ, quả. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được, thí dụ như vải và thanh long.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến.
Tại các quầy nông sản, mặt hàng vải thiều, thanh long, cà phê luôn có một lượng lớn khách hàng tìm hiểu thông tin và mua hàng. Riêng mặt hàng vải thiều Bắc Giang, dù giá đắt gấp hai đến ba lần so với vải Thái Lan, nhưng vẫn rất được ưa chuộng.
Ngoài mặt hàng nông sản, các nhóm mặt hàng khác của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan bao gồm điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu những mặt hàng từ Thái Lan, như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện.
Để các sản phẩm Việt Nam rộng đường tiến vào thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, thể hiện bao bì sản phẩm cần được thiết kế tinh tế, đẹp và chuyển tải được thông điệp hàng Việt.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. 03 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
Thái Lan đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam. Do đó, hai nước đang là những đối tác triển vọng trong khuôn khổ các chuỗi cung ứng.