Cụ thể, theo ông Mustafa Suleyman, chiêu trò clickbait (mồi nhấp chuột) là cách bán quảng cáo bằng việc đưa ra các tiêu đề gây tò mò, thu hút người dùng click vào đường link và dẫn họ tới một trang web khác.
Trong khi đó, nội dung chính không được trình bày ngắn gọn mà lại bị chôn vùi bằng những thông tin không liên quan hay những đoạn giới thiệu "vớ vẩn".
"Công nghệ của Google thúc đẩy các bên sử dụng clickbait để có thể bán quảng cáo nhiều hơn hơn", nhà đồng sáng lập AI DeepMind nhận định.
Mustafa Suleyman là một trong ba người thành lập phòng thí nghiệm AI DeepMind ở London năm 2010. Sau đó, công ty được Google mua lại với giá 400 triệu bảng Anh. Từ đó, DeepMind trở thành nền tảng quan trọng để Google phát triển các dịch vụ liên quan đến AI, đặc biệt lĩnh vực tìm kiếm.
Hơn 1 năm, Suleyman rời Google và mở startup Inflection AI. Công ty đang phát triển chatbot đàm thoại tên Pi, hoạt động tương tự ChatGPT. Mô hình này giúp CEO 39 tuổi huy động được 1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư.
Những nhận định của ông về tác động của Google Search đến Internet được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia công nghệ hàng đầu đang lên kế hoạch thành lập một tổ chức giám sát mối đe dọa AI trên quy mô toàn cầu. Suleyman và cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt dự định trình bày đề xuất An toàn AI tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về công nghệ tại Anh tháng tới.
Bên cạnh đó, Michelle Donelan, Bộ trưởng Công nghệ Anh, nói với Telegraph rằng hội nghị là cơ hội cho các bên “xem xét những rủi ro lớn nhất và cơ hội lớn nhất đến từ AI tạo sinh” và cân nhắc về đề xuất thành lập một hội đồng giám sát.
Mối lo ngại về công nghệ AI tạo sinh đã xuất hiện sau sự thành công bất ngờ của ChatGPT, trở thành lời cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo thế giới về tốc độ phát triển công nghệ. Làn sóng công nghệ mới được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ lớn, gây ra mối lo ngại về biến động trên thị trường việc làm. Ông Mustafa Suleyman kêu gọi ngăn chặn những tiến bộ AI có rủi ro cao, để các chính phủ có thể đón đầu những phát triển có thể đe dọa việc làm, đời sống con người.
Ở chiều hướng ngược lại, chatbot AI có thể “đối đầu với Google” bằng cách cung cấp thông tin chính xác hơn tìm kiếm trên internet, theo Mustafa. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ gần đây, nhiều chatbot vẫn mắc lỗi và trong một số trường hợp có thể tạo ra thông tin sai lệch, tạo trở ngại cho việc tiếp cận các công cụ tìm kiếm.
Trong khi đó, Google cũng đang phát triển một dự án chatbot AI có tên Bard để đảm bảo vị thế của mình trong xu hướng mới. Tuy nhiên sản phẩm không được đón nhận như kỳ vọng. Bloomberg đã phỏng vấn 18 nhân viên và cựu nhân viên Google, cho thấy Bard thường đưa ra lời khuyên nguy hiểm cho người dùng, từ chủ đề đơn giản như lặn biển đến phức tạp như cách hạ cánh máy bay. "Bard thậm chí tệ hơn cả vô dụng", một người nói.