Giáp Tết lên vùng cao ngắm vườn dâu tây chín đỏ, mỗi héc ta thu tới 1 tỷ đồng

Những vùng đất trống, đồi trọc được người dân cải tạo thành những vườn dâu tây. Tới nay, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) đã trở thành "thủ phủ" trồng loại nông sản sang chảnh này. Cây dâu tây vừa chất lượng lại đẹp mắt nên tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, đem lại doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
dau-tay-co-noi-03-1707014358.jpg
Diện tích dâu tây của xã Cò Nòi hơn 300ha, doanh thu bình quân từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha.

Cây dâu tây xuất hiện ở Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) từ năm 2015, đến nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây. Trước khi trồng dâu tây, người dân vẫn trung thành với những cây lương thực như ngô, lúa và chăn nuôi lợn, bò, gà. Từ khi biết đến dâu tây, cây trồng này đã thay đổi cuộc sống nhiều bà con.

Mỗi vụ dâu tây kéo dài khoảng 6 tháng. Người dân phải "ăn cùng dâu, ngủ cùng dâu" tại lều, lán trên nương dâu để có thể chăm sóc dâu một cách cẩn thận nhất. Sau vụ thu hoạch, bà con cho đất nghỉ ngơi, cải tạo đất, nghiên cứu các kỹ thuật trồng mới cho mùa sau.

dau-tay-co-noi-02-1707014390.jpg
Người dân thường xuyên tỉa lá, bỏ ngó để cây dâu tây có thể đạt được năng suất cao nhất.

Dâu tây được trồng ở Mai Sơn (Sơn La) chủ yếu là giống dâu Hana của Nhật Bản. Giống dâu này cho năng suất cao, hình dạng và màu sắc quả đẹp, bắt mắt.

Đây là cây trồng khó chăm sóc bởi trong thời gian chưa có quả, cây dâu tây thường bị nhiều sâu bệnh gây hại. Chỉ tới khi đã ra hoa, ra quả thì cây dâu mới ổn định, ít sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Thu (Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) – một hộ trồng dâu cho biết, cây dâu tây thường có 2 - 3 loại sâu bệnh gây hại như nấm, phấn trắng, nhện đỏ, nhện xanh…

Trong quá trình xử lý sâu bệnh, ông Thu sử dụng một số sản phẩm thuốc trị sâu sinh học, an toàn, thời gian cách ly ngắn. Ngoài ra trong chăm sóc, người dân phải thường xuyên tỉa lá, bỏ ngó để cây dâu tây có thể đạt được năng suất cao nhất.

dau-tay-co-noi-04-1707014426.jpg
Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp, cây dâu tây hiện đang được nông dân huyện Mai Sơn mở rộng diện tích.

Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp, cây dâu tây hiện đang được nông dân huyện Mai Sơn mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn có độ cao trung bình khoảng 850m so với mực nước biển, khí hậu thuận lợi để phát triển cây dâu tây. Đất ở đây có độ phì nhiêu cao, nguồn nước chủ yếu được cung cấp từ suối tự nhiên, rất phù hợp để trồng dâu tây.

Trước đây, nhiều hộ dân ở Cò Nòi chăn nuôi thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần, nhưng nhờ chuyển sang trồng dâu tây, nay đã trả được hết nợ, đời sống được cải thiện.

dau-tay-co-noi-01-1707014463.jpg
Hiện nay, cây dâu đang là cây chủ lực chính ở bản, đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Thêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Bản Tân Thảo (xã Cò Nòi), toàn bản hiện có khoảng hơn 90ha dâu tây. Hiện nay, cây dâu đang là cây chủ lực chính ở bản, đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Trước năm 2017, người dân ở đây chủ yếu trồng mía, chăn nuôi heo, trồng nhãn, giá cả bấp bênh nên gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2018, khi giống dâu của Nhật Bản được đưa về bản, xã, kinh tế bà con đã dần ổn định. “Phải thừa nhận, cây dâu tây hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. 2-3 năm gần đây, giống cây này càng phát triển mạnh. Giờ, mỗi cân dâu tây vài trăm ngàn, thậm chí có thời điểm xuống giá vài chục ngàn, nhưng người dân vẫn có lãi”, ông Thêm chia sẻ.

dau-tay-co-noi-06-1707014494.jpg
Dâu tây được trồng ở Mai Sơn (Sơn La) chủ yếu là giống dâu Hana của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết: Bà con tận dụng đất trống, đồi núi trọc, cải tạo trồng cây dâu tây. Hiện nay, diện tích dâu tây của xã Cò Nòi hơn 300ha, doanh thu bình quân từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha. "Trồng 1 cây dâu tây cho bà con thu nhập hơn 30 cây ngô", ông Thu nói.

Cũng theo ong Nguyễn Anh Thu, kể từ khi cây dâu tây xuất hiện ở Cò Nòi cũng là lúc bà con bỏ tập quán canh tác mạnh nhà nào biết nhà nấy, để đoàn kết tập trung trong Hợp tác xã Dâu tây Ichi farm.

Cũng theo lãnh đạo xã Cò Nòi, tính chung, toàn huyện Mai Sơn, diện tích trồng dâu tây ước khoảng 500ha, riêng bản Tân Thảo, diện tích gần 100ha, dâu tây được bà con trồng nhiều là giống cây Hana của Nhật Bản, giống này cho chất lượng vượt trội so với các cây dâu thông thường. Khi chín, có vị ngọt đậm và thơm ngon không khác giống dâu bản địa.

dau-tay-co-noi-05-1707014342.jpg
Quả dâu tây Cò Nòi sau nhiều năm có thương hiệu vào sức hút du khách.

Sau mỗi năm thu hoạch, tính lợi nhuận mỗi hộ lãi được 100-300 triệu đồng. Đa phần sản phẩm dâu tây được định hướng trồng theo tiêu chuẩn Vietgap được kiểm soát từ giống, nguồn đất, nguồn nước.

Quả dâu tây Cò Nòi sau nhiều năm có thương hiệu hiện đã và đang được mở rộng ra khỏi vùng trồng và bán tới tay rất nhiều khách hàng ở 2 địa phương lớn là Hà Nội và TPHCM./.

Bình Châu