Dâu tây vừa cho quả đẹp, ăn ngon, nhiều giá trị dinh dưỡng, lại chưa được trồng phổ biến ở tỉnh ta. Những diện tích dâu tây đầu tiên đã được người dân trồng thí điểm trên đất Mường Phăng, chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy chưa khẳng định được giá trị của loại cây trồng này ở Mường Phăng như thế nào, nhưng với sự phát triển của cây và chất lượng quả ban đầu cho người trồng có hy vọng nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng trên cùng một diện tích đất.
Vườn dâu tây của gia đình anh Hoàng Văn Gián ở bản Bua, là những diện tích dâu tây đầu tiên ở xã Mường Phăng. Đây là nơi khởi nguồn để xã Mường Phăng triển khai thí điểm trồng dâu tây - loại cây cho giá trị kinh tế cao và ít có ở Điện Biên. Mặt khác, chủ nhân của vườn dâu tây là người đã từng sống và làm quen với trồng cây ăn quả nhiều năm ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La - nơi phát triển khá mạnh loại cây trồng này nên Mường Phăng cũng có thêm cơ sở để triển khai trồng thí điểm dâu tây.
Tại vườn dâu tây này, ngoài việc đầu tư về ngày công cho các khâu sản xuất, giống, vật tư nông nghiệp, anh Gián còn đầu tư thêm cả bạt phủ, hệ thống đường ống tưới tự động và một số vật liệu, phương tiện khác phục vụ cho sản xuất. Mặc dù đầu tư tốn kém và khá dày công chăm sóc nhưng theo như năm đầu trồng dâu tây ở đất Mường Phăng, tính ra vẫn có lợi nhuận kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Với cây dâu tây, chi phí ban đầu cao nhưng bù lại, cây này cho nguồn thu nhập đa dạng. Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả chín, còn lại thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống. Chỉ tính bán quả tươi, nhà vườn cũng có thể đem lại lợi nhuận bằng 100% vốn đầu tư. Theo tính toán, năng suất dâu tây ở các vườn trung bình ước đạt trên 1 tấn quả/ha.
Tại Mường Phăng, dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng tính ở mức thấp hơn so với mức trung bình ở các vùng chuyên canh dâu tây, thì mỗi m2 cho thu hoạch khoảng 1kg quả. Nếu chỉ tính với giá rẻ là 200 nghìn đồng/1kg thì mỗi ha cũng cho thu nhập 2 tỷ đồng. Ví như với vườn dâu tây 2 nghìn mét vuông của nhà anh Gián cho thu nhập 400 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, ít nhiều anh cũng cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài việc mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, việc trồng dâu tây của gia đình anh Gián còn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ cho người dân. Bởi từ trước tới nay, toàn bộ trái dâu tây có mặt tại thị trường Điện Biên đều phải nhập từ nơi khác về. Ngoài ra, việc trồng dâu tây cũng góp phần vào việc thu hút khách du lịch, góp phần xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp ở địa phương.
Trên cơ sở những tín hiệu khả quan từ vườn dâu tây của gia đình anh Gián, cộng với hiệu quả thấy rõ từ các mô hình dâu tây ở các địa phương khác, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng đã triển khai thí điểm ở các diện tích khác phù hợp nhằm nhân rộng diện tích dâu tây trong tương lai. “Năm 2022, xã sẽ phối hợp với phòng Kinh tế triển khai trồng gần 2ha tại khu hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để phục vụ du khách tham quan, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.” - ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, cho biết.
Dù là cây trồng mới, nhưng dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn nên việc thí điểm trồng loại cây trồng này sẽ có tính khả thi cao. Ở đất Mường Phăng - nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ gần tương đồng với cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cộng thêm thổ nhưỡng để trồng dâu tây ở đây cũng cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Do đó, Mường Phăng đang có hy vọng mới trong việc nâng cao mức thu nhập cho người dân cũng như góp phần thu hút khách du lịch từ cây dâu tây./.