Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Đắk Lắk đã đầu tư xây mới 17 công trình giao thông, cầu, giáo dục. Ngoài ra, tỉnh còn duy tu bảo dưỡng 29 công trình đường giao thông, thủy lợi để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa … tại 2 huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk. Tỉnh đã và triển khai 139 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương, hỗ trợ xây mới 794 căn nhà cũng như sửa chữa 516 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo.
Công tác giảm nghèo bền vững đã được tỉnh, các cấp ủy Đảng và chính quyền xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Thông qua các chính sách và chỉ đạo cụ thể, tỉnh đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn được đầu tư, nâng cấp. Giai đoạn 2021 - 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,74%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,45%/năm.
Đồng thời, trong Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của chương trình, tỉnh cũng đã thu được nhiều kết quả phấn khởi. Đến hết năm 2023, Đắk Lắk đã triển khai 87 dự án. Trong đó có 84 dự án chăn nuôi, 2 dự án trồng trọt và 1 dự án hỗ trợ công cụ sản xuất. Có tổng cộng 1.753 hộ được tiếp cận các dự án này, gồm: 1.184 hộ nghèo, 421 hộ cận nghèo, 62 hộ mới thoát nghèo, 86 hộ làm kinh tế giỏi.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí mới so với giai đoạn trước, đi kèm với những khó khăn và thách thức khi thực hiện. Tuy nhiên, đa dạng hóa sinh kế được đánh giá là giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững suốt nhiều năm qua.
Công tác đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm còn là một hướng đi hiệu quả khác góp phần giảm nghèo bền vững cho tỉnh. Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Qua đó, nhiều lao động tại địa phương có thêm việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm đều đặn. Công tác sinh xã hội theo đó cũng gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh là cầu nối góp sức cho chủ trương giảm nghèo bền vững của tỉnh. Tính đến hết tháng 6/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân 1.094 tỷ đồng tiền cho vay đến 26.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Có 5.879 lượt hộ nghèo, 4.713 lượt hộ cận nghèo, 1.574 lượt hộ mới thoát nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn này nhằm đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Theo Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến hết năm 2025 tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
"Mục đích là để khơi dậy ý chí tự lực tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước hay xã hội và phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái" - ông Giang nhấn mạnh./.