Cây xóa nghèo ở Đại Minh
Đơn cử như gia đình anh Tạ Hữu Tỉnh, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh có hơn 500 gốc bưởi, trước kia anh chủ yếu chăm sóc cây bưởi theo phương pháp truyền thống nên chất lượng quả không đều, giá bán bấp bênh. Nhưng từ ngày chuyển sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP năng xuất tăng gấp 10-15 lần.
Nhờ vậy, vườn bưởi của gia đình anh Tỉnh phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Từ hiệu quả mô hình trồng bưởi, gia đình anh có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang. Hiện nay, mỗi cây bưởi cho thu khoảng 50 quả, bình quân một năm, vườn bưởi của gia đình anh thu hoạch trên 20 tấn quả, thu nhập khoảng 200 - 300triệu đồng/năm.
Anh Tỉnh chia sẻ: Chăm sóc cây bưởi cần đảm bảo đúng kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong quả, cần phải dọn vườn, vãi vôi để phòng trừ các loài sâu bệnh, bón lót phân tổng hợp NPK và tưới đất để cây phục hồi, ra hoa sớm.
Đồng thời, để cây bưởi ra quả đều và sai, cần khoanh cành trước khi cây ra hoa, bước này giúp ức chế lượng nước từ gốc lên thân cây, giúp cây ra nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao. Trong quá trình thâm canh, cây rất dễ nhiễm rầy, sâu đục thân, ruồi vàng, bệnh nấm cây,… do đó, tôi thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng trừ.
Cạnh đó, gia đình chị Nguyễn Thị Ngà, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, hiện có 300 gốc bưởi Đại Minh từ 30 - 50 năm tuổi. Thời gian này, đang bước vào vụ thu hoạch.
Chị Nga tâm sự: Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi, năng suất nâng lên rất cao, từ đó thu nhập cũng tăng lên. Năm ngoái, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá bưởi rẻ nhưng gia đình cũng bán được khoảng gần 400 triệu tiền bưởi, đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Giữ vững thương hiệu bưởi Đại Minh
Theo các cụ cao niên kể lại, giống bưởi Đại Minh đã có mặt tại đây khoảng 5 thế kỷ, nhưng bắt đầu được trồng nhiều vào những năm 60 của thế kỷ trước. Giờ đây giống bưởi được các thế hệ ông cha lưu giữ, bảo tồn đã và đang đem lại thu nhập “vàng” cho người dân Đại Minh, một xã thuần nông ven dòng Sông Chảy ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Đồng thời, với điều kiện tự nhiên thuận lợi sẵn có, cùng những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy từ nhiều đời của nông dân Đại Minh về nghề trồng bưởi, cộng với việc áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất đã hội tụ thành những vườn bưởi mướt xanh, sai trĩu quả, khẳng định thế mạnh của cây bưởi đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch xanh.
Được biết, cây bưởi Đại Minh thấp, lá tròn, dày, tán rộng, quả có hình dẹt, nhẵn bóng, trọng lượng từ 0,6kg – 1,6kg, khi quả chín chuyển sang màu vàng, những quả ở cây bưởi già nhỏ nhẵn dễ phân biệt với loại bưởi khác.
Mùa thu hoạch bưởi thường vào tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau. Vào thời điểm này, hầu hết những vườn bưởi trong xã Đại Minh đã có chủ, bởi trước đó, tầm tháng 8 âm lịch, thương lái đã đến thu mua hết tại nhà dân.
Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình chia sẻ, trước đây người nông dân canh tác còn manh mún, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản sạch, cách thức phân phối phụ thuốc vào thương lái nhiều nên giá bưởi không được định giá cao; hơn nữa, một số giống bưởi khác tuy có chất lượng tương đương nhưng lại bán được giá và giữ thương hiệu hơn rất nhiều như bưởi Hòa Bình, bưởi Da Xanh, bưởi Phúc Trạch.
“Để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của xã là bưởi Đại Minh, chính quyền địa phương luôn vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi. Đặc biệt, chúng tôi vận động bà con sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để từng bước nâng cao chất lượng quả bưởi, để quả bưởi khi đưa ra thị trường được khách hàng đón nhận…”, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình – Nguyễn Xuân Trường nhân mạnh.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất bà con đã sử dụng chế phẩm sinh học EMINA nên giúp người nông dân phòng trừ toàn bộ các loại nấm bệnh gây ra các bệnh nguy hiểm như vàng lá thối rễ, chảy gôm xì mủ, đốm mắt cua, ghẻ,… mà không cần dùng tới bất cứ loại thuốc bệnh hóa học nào. Nhờ vậy, năng suất tăng lên, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện rõ rệt khi tỷ lệ các quả với khối lượng 1kg trở lên tăng lên rõ rệt từ 23% đến 29%. Hiện, bưởi Đại Minh được xác định là cây ăn quả đặc sản và sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Yên Bình nói riêng.
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu sản phẩm “Bưởi Đại Minh”. Bưởi Đại Minh là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Năm 2020, cây bưởi mang về cho người dân Đại Minh 50 tỷ đồng. Đến nay, chỉ riêng xã Đại Minh trồng khoảng 450ha.
Bình quân mỗi năm, bưởi Đại Minh cho sản lượng hơn 120 ngàn tấn và doanh thu trên 180 tỷ đồng, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 hộ nông dân. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng nhiều nhất là các thành phố: Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì, Lào Cai.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho hay.