Cách làm mới, hiệu quả mới
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng và phát triển “Tam nông” là nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Tại Thanh Hóa, lãnh đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Từ đó, diện mạo nông thôn mới ở các địa phương không ngừng được nâng cao, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh.
Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, những năm trước đây bà con chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp. Tuy nhiên những năm trở lại đây, với sự vận động tuyên truyền của chính quyền các cấp, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong canh tác, liên kết các chuỗi nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Phi Mão, Chủ tịch xã Thiết ống huyện Bá Thước cho biết: “Thiết Ống là xã miền núi đặc biệt khó khăn, kinh tết của bà con trước đây chủ yếu sản xuất tự phục vụ. Tuy nhiên với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền và các đoàn thể về chính sách phát triển kinh tế, bà con nhân dân đã bắt đầu thay đổi tập tục canh tác, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất đem lạ năng xuất cao.
Hiện địa phương có 3 cây trồng chủ lực là mía, sắn và luồng, để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, nhiều hộ dân đã chủ động thành lập doanh nghiệp, liên kết sản xuất đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy, hạn chế tối thiểu việc nguyên liệu không có chỗ tiêu thụ”.
Cũng theo ông Mão, do địa hình miền núi có kết cấu phức tạp, nên khó khăn trong việc cơ giới hóa nông nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thiếu đất canh tác tại địa phương vẫn còn nhiều dẫn đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 còn nhiều hạn chế.
Bước đà thoát nghèo bền vững
Với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã khơi gợi động lực, ý chí vươn lên làm giàu của người dân trong cả nước. Từ đó xóa bỏ tư duy ỷ lại, trông chờ “cơ chế” của đại bộ phận cộng đồng dân cư. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái, đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Ông Hà Văn Ứng, trú tại thôn Tân Quang (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) chia sẻ: “Người dân không thể cứ trông chờ vào chính sách hỗ trợ mãi được, phải tự vươn lên, đi bằng chính đôi chân của mình thì mới giàu có được. Với gia đình tôi, từ khi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo những đồng ruộng năng xuất thấp thành ao nuôi ốc nhồi đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, tận dụng những khoảng đất bằng để trồng cây ăn quả và trồng đào cảnh để kiếm thêm thu nhập”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nghị quyết “tam nông” còn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Ông Đoàn Quốc Khánh, trú tại Phường Hải Thanh (TX Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết: “Trước đây gia đình tôi sống bằng nghề đánh bắt cá, nhưng hải sản ngày một cạn kiệt, sau khi được chính quyền vận động tuyên truyền về chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình tôi đã thầu mạnh dạn vay vốn để nuôi tôm công nghệ cao, mỗi năm cho thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, năm 2022 đạt 3,65%, năm 2023 ước đạt 3,91% (cao nhất từ trước đến nay). Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tích tụ, tập trung thêm 8.561ha đất; chuyên đổi linh hoạt 4.393ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền.
Tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Đến nay, toàn tỉnh có 448 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 391 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm 5 sao. Riêng năm 2023, công nhận thêm 156 sản phẩm. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP đều tăng trưởng cả quy mô sản xuất và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%).
Trong đó có 23 sản phẩm xuất khẩu, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; Dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng, đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…
Với những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa đã tạo bước đột phá để nâng tầm “tam nông”, phát huy yếu tố nội lực trong mỗi chủ thể từ, tạo môi trường hoạt động bình đẳng, sự cạnh tranh lành mạnh, từ đó khơi gợi cho người dân lựa chọn cho mình con đường thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tại một số cơ sở vẫn gặp không ít khó khăn, lúc túng, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao./.
Bài cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn, nâng tầm "tam nông"