Giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời kỳ mới

Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam.
z5864727820821-99886fcba5f573714abdf1d96ba2c3ce-1727253416.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới". Ảnh Tiến Dũng

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn (KTTH), trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện KTTH là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển.

Cụ thể, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới", PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Để phát triển KTTH, Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về KTTH, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.

Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện KTTH, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội....

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành thẳng thắn thừa nhận còn nhiều khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện chương trình hành động phát triển KTTH: Nhận thức về KTTH còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng về KTTH chưa đầy đủ, thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng.

ktth2-1727253416.jpg
Hằng năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường lượng lớn phế phẩm. (Ảnh minh họa)

Hệ thống thể chế, quy định, chính sách cho phát triển KTTH cũng còn nhiều hạn chế: tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán. Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế. Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển KTTH chưa được ban hành.

Còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển KTTH: thực tiễn cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư cho hoạt động R&D, KHCN cho phát triển KTTH còn hạn chế; chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu (viện, trường) với doanh nghiệp. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Việc thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH, tín dụng xanh sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ngân hàng.

Phương thức tổ chức tiến hành, chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống (“nền kinh tế nâu” và “kinh tế tuyến tính”) sang xây dựng mô hình KTTH (và rộng hơn là “kinh tế xanh”) qua đó đóng góp vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn thiếu định hướng đủ cụ thể, kịp thời, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.

Cơ sở hạ tầng cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KTTH. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn...

Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia; tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương. Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh kế tuần hoàn, bên cạnh yếu tố tiên quyết là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ý thức người dân, theo TS. Mai Thanh Dung còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ/ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đoàn thể... trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch./.

Đông Nghi