Trong thời gian qua, ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư trong những năm gần đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam đã có sự liên kết bằng nhiều phương thức như đường hàng không, đường biển và đường thủy - bộ đã tăng sự liên kết với các điểm đến du lịch tại các địa phương.
Tuy nhiên, các chính sách về thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch vẫn chưa được hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá và cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ và bền vững. Việc thu hút này còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách ưu đãi cũng như khung pháp lý.
Do đó, để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí. Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội.
Quốc Hội, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư du lịch về tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… với mức độ và thời gian hỗ trợ dài hơn nhằm huy động hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch.
Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch hàng năm hiện nay từ mức 1,4% lên 3-4% tổng chi ngân sách Nhà nước như một số các quốc gia trong khu vực, góp phần đảm bảo gia tăng năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, cần tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về qui hoạch, đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.