Ngày 1/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 có xu hướng giảm nhẹ so với kỳ trước.
Cụ thể, xăng RON 92 là 148,57 USD/thùng, RON 95 ở mức 155,79 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 149,59 USD/thùng xăng RON 92 và 156,21 USD/thùng xăng RON 95.
Với sự biến động nói trên, lãnh đạo một đầu mối doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 150-300 đồng/lít, trong khi giá dầu giảm khoảng 200-260 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu nhà điều hành tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng trong nước đã có 16 kỳ điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và chỉ 3 lần giảm.
Ngày hôm qua, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đà tăng của giá xăng dầu là nguyên nhân lớn nhất khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% tình từ đầu năm đến nay. Theo đó, giá xăng dầu trong nước sau 6 tháng đầu năm đã tăng đến 51,83% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.
Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất hôm 21/6, nhà điều hành đã điều chỉnh tăng giá xăng E5RON92 thêm 185 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 498 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 999 đồng/lít; dầu hỏa tăng 946 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 378 đồng/kg.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - đây là mức giảm khá lớn.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…
Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Từ đó ông Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.
Theo tính toán, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.