Gia Lai: Mở rộng diện tích vùng trồng, phát triển bền vững cây chanh leo

Mấy năm gần đây, sản xuất chanh leo trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Một số địa phương trọng điểm sản xuất chanh leo trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có khoảng 4.500ha trồng cây chanh leo, chiếm diện tích lớn nhất của cả nước. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, cây chanh leo cho thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm.

So với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh leo đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất nông nghiệp với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào 2 loại cây chủ lực là chanh leo và chuối. Với cây chanh leo, hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói.

Được biết, tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu 20.000ha chanh leo vào năm 2025, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm, tỉnh Gia Lai còn có nhiều giải pháp đồng bộ như: Ưu tiên quỹ đất; xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây ăn quả một cách bền vững; trong đó có sản phẩm chanh leo.

chanh-1676456425.jpg
Tỉnh Gia Lai dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa diện tích chanh leo toàn tỉnh lên 20.000ha, trở thành “thủ phủ” chanh leo của cả nước. (Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường)

Theo đó, để phát triển bền vững cây chanh leo UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát diện tích chanh leo trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.

Hằng năm, giao chỉ tiêu phát triển diện tích chanh leo cho UBND cấp xã, các chủ đầu tư theo đúng thẩm quyền; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện các giải pháp để bố trí đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quảng bá và phát triển du lịch nông nghiệp.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những diện tích chanh leo đảm bảo theo tiêu chuẩn; chủ động phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại địa phương; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo hiệu quả trên địa bàn.

Chỉ sau một thời gian ngắn có mặt, cây chanh leo đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai bằng chính hiệu quả mà nó đem lại. Đặc biệt, từ việc sản phẩm chanh leo được xuất khẩu chính ngạch vào EU, Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây trồng triệu đô”.

Theo các chuyên gia, để cây chanh leo phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến.

Ánh Dương (t/h)