Khâu quản lý và cấp mã vùng trồng chanh leo gặp nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc triển khai đáp ứng hai Lệnh 248, 249 trong 1 năm vừa qua đã cơ bản thỏa mãn được yêu cầu từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong việc cấp mã vùng trồng cho nhiều loại sản phẩm.

Sau 1 năm thực hiện Lệnh 248, “Quy định Quản lý & đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cả nước đã nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn mới phục vụ xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong việc cấp mã vùng trồng cho nhiều loại sản phẩm.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, tại Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), đại diện Công ty Cổ phần Nafoods Group chia sẻ, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Khi ngành nông nghiệp tiếp cận và triển khai Lệnh 248, 249, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Trồng trọt và các chi cục để xúc tiến liên kết, phát triển vùng trồng, đảm bảo quản lý an toàn phục vụ xuất khẩu. Hiện Nafoods đã thiết lập 600 héc-ta sản xuất chanh leo an toàn. Mục tiêu 2023, có thể đạt diện tích 2.000 héc-ta có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Ngay tuần này, Nafoods sẽ có container đầu tiên xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong những năm qua, chanh leo là cây trồng có hiệu quả kinh tế tốt và năm vừa qua, chanh leo được Trung Quốc xúc tiến xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo tại Việt Nam hiện nay khá manh mún, chỉ khoảng 2.000 héc-ta, phân tán tại các vùng.

chanh-leo-1670816918.jpg
Diện tích trồng chanh leo tại Việt Nam hiện nay khá manh mún. Ảnh minh họa.

Theo đại diện phía Nafoods, do đặc thù nhạy cảm dịch bệnh, quy mô trồng chanh leo chỉ dao động từ 3 - 7 héc-ta/nông hộ, chứ không có vùng tập trung lớn như sầu riêng, thanh long. Chính vì vậy khâu quản lý và cấp mã vùng trồng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, đại diện Nafoods có một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cho chanh leo.

Thứ hai, cần cập nhật tài liệu hướng dẫn chi tiết để giải đáp các câu hỏi của nông dân trong quá trình sản xuất chanh leo.

Thứ ba, cần giải pháp hỗ trợ nông dân để duy trì mã số vùng trồng, tránh phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và sự “chỉ việc dắt tay” của các doanh nghiệp.

Thứ tư, cần số hóa vùng trồng chanh leo. Với đặc điểm luân canh và thay đổi vùng trồng thường xuyên nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu là điều cần thiết để phục vụ duy trì mã số vùng trồng.

Ngoài ra, đại diện Nafoods cũng chỉ ra khó khăn về nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, đề xuất công nhận mã số vùng trồng và đề xuất thành lập tổ công tác có sự tham gia của phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ, khuyến nông để hỗ trợ.

Theo bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ: "Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 mã số vùng trồng. Sở NN&PTNT đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương, người dân thực hiện đúng những nội dung yêu cầu theo quy định. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV đang xây dựng hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng mã số vùng trồng để người dân làm căn cứ thực hiện.

Trên cơ sở đó, bà Định kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng để địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả.

Đông Nghi