Chanh leo tận dụng cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc

Trung Quốc mới đây đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam theo đường chính ngạch. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với nông dân, cơ quan quản lý... Bởi lợi thế chỉ phát huy khi quá trình sản xuất đảm bảo an toàn và đúng tiêu chuẩn.

Cơ hội tốt

Từ ngày 1/7, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo, thông qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc): Hữu Nghị Quan, Pò Chài, ga đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

Hiện, chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao năm 2021 của nước ta. Trong 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador. Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ…

caychanh-16568096436001642064869-1659404561.jpg
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới

Cùng đó, diện tích trồng loại cây này cũng liên tục tăng, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Sản lượng chanh leo ước đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk; lợi nhuận có thể lên tới 350 - 400 triệu đồng/ha.

Cả nước hiện có 46 địa phương trồng và sản xuất cây chanh leo với hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn/năm, năng suất bình quân 22,67 tấn/ha. Dự kiến, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi 300.000 - 400.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, chanh leo cũng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Tại khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk được biết đến là 1 trong 2 địa phương trồng nhiều chanh leo nhất cả nước. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt tỉnh Đắk Lắk, địa phương này có hơn 1.000ha chanh leo. Đây là chưa kể những hộ dân trồng xen chanh leo trong các vườn cây.

Trước chanh leo, Việt Nam đã có 9 loại trái cây cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: vải thiều, thanh long, dưa hấu, mít, nhãn, chuối, xoài, chôm chôm và măng cụt.

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT cho rằng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội cho chanh leo của Việt Nam nói chung. Thị trường ở Trung Quốc thiếu chanh leo rất nhiều. Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Nông lại có lợi thế trồng chanh leo. Tỉnh đã có vùng nguyên liệu chanh dây khá lớn, sản phẩm cũng tương đối ổn.

Chất lượng là trên hết

Theo nhiều chuyên gia, để có thể xuất khẩu chanh leo thành công chính ngạch sang Trung Quốc, người trồng tại các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, Hiệp hội sản xuất chanh leo cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chất lượng phải được quan tâm hàng đầu.

Chia sẻ của GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, để cải thiện chất lượng chanh leo, cần xây dựng sách hướng dẫn chi tiết về quy trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP phù hợp cho từng địa phương. Đặc biệt, cần lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả để hướng dẫn sử dụng trên cây chanh leo. Cùng với đó, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về giống, sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, sấy khô.

capture-8-1659404561.png
Xuất khẩu chanh leo cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc cũng như các quốc gia khác

Cục Bảo vệ Thực vật cần sớm cấp mã số vùng trồng cho địa phương; đồng thời, kiến nghị Cục sớm ban hành bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tập huấn cho cán bộ chuyên môn địa phương, từ đó là cơ sở hướng dẫn cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường.

Liên quan đến chính sách thương mại, theo các chuyên gia, để xuất khẩu được thuận lợi, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản thương mại. Xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho ngành sản xuất nông sản xuất khẩu, cũng như tháo gỡ về hạ tầng logistics.

Phía các hiệp hội, doanh nghiệp thì cho rằng, cần tổ chức tốt khâu liên kết sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cập nhật thông tin thị trường, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật phía Trung Quốc.

Cùng quan điểm trên, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và quản lý giám sát việc tuân thủ các quy định theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT và phía Trung Quốc.

Ngoài các hội nghị giao thương đã được các đơn vị thuộc Bộ Công thương tổ chức vừa qua, ông Lai đề nghị các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, hiệp hội ngành hàng làm đầu mối tập hợp danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu giao thương tìm kiếm đối tác với thị trường Trung Quốc gửi cho Thương vụ và chi nhánh Thương vụ tại các địa phương giới thiệu về doanh nghiệp và các sản phẩm mẫu để Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đối tác Trung Quốc.