Giá dầu Brent tăng 67 xu Mỹ, hay 0,8%, lên 83,85 USD/thùng vào lúc 13 giờ 47 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 0,3% trong phiên 13/10.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 62 xu, hay 0,8%, lên 81,06 USD/thùng, sau khi cũng giảm 0,3% trong phiên trước.
Giá dầu được hỗ trợ trước khả năng giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh khi bước vào mùa Đông sẽ khiến dầu được sử dụng để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm.
Theo Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này tăng 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/10, nhưng dự trữ xăng giảm 4,6 triệu thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,7 triệu thùng.
Các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) nhận định dự trữ dầu thô tăng 0,7 triệu thùng, còn dự trữ xăng giảm 0,1 triệu thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 0,9 triệu thùng.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nước đồng minh, nhóm được gọi là OPEC+, đầu tháng này đã tái khẳng định kế hoạch điều chỉnh sản lượng, với việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 11.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ những lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 13/10 cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong năm 2021 sẽ giảm mạnh hơn dự báo trước đó, dù sẽ tăng trở lại trong năm 2022.
OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2021 trong báo cáo tháng mới nhất công bố ngày 13/10, trong khi giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu thế giới cho năm 2022. Tuy nhiên, OPEC cho rằng giá khí đốt tự nhiên tăng có thể thúc đẩy nhu cầu với các sản phẩm dầu mỏ.
Giá dầu châu Á phục hồi trong phiên 14/10
14/10/2021 17:44:44
Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 14/10, đảo ngược đà giảm trong phiên trước, khi dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến đã khuyến khích hoạt động mua vào.