Gần 60 gian hàng sản phẩm địa phương đặc sắc tham dự “Lễ hội Cổ Cò 2024”

Sáng 31/8/2024, “Lễ hội Cổ Cò 2024” lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Lăng Bà Cồn Động, trên đường Trường Sa, phường Cẩm An, TP. Hội An, (Quảng Nam) thu hút sự tham dự của đông đảo lãnh đạo, chính quyền, các đoàn thể, người dân và du khách.
60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-1-1725289322.JPG
Gian hàng của Công ty CP Nông dược Ngọc Linh (huyện Nam Trà Mi)

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong việc khai thác tiềm năng “du lịch xanh” của dòng sông Cổ Cò huyền thoại, mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và góp phần giảm tải lượng khách cho phố cổ Hội An. Đồng thời, lễ hội cũng hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, đặc biệt là ngư dân phường Cẩm An, thông qua việc phát triển các hoạt động du lịch trên đoạn sông này.

Trong không gian lễ hội, gần 60 gian hàng đặc trưng của địa phương đã được trưng bày và giới thiệu, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa và thiên nhiên. Các sản phẩm nổi bật bao gồm từ ẩm thực truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cho đến nông sản và dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, trà rau sen Đại Bình (Nông Sơn), rau sen... 

60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-2-1725289329.JPG
Du khách nước ngoài đang khám phá dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại phiên chợ.

Đặc biệt, các sản phẩm xanh như rau hữu cơ, dược liệu tự nhiên, và hàng thủ công thân thiện với môi trường đã thu hút sự quan tâm lớn từ du khách. Mỗi gian hàng đều mang đến nét đặc sắc riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho lễ hội, đồng thời mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách trong việc mua sắm và thưởng thức các sản phẩm địa phương.

60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-3-1725289337.JPG
Một gian hàng”Hãy uống và cảm nhận”.
60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-5-1725289349.JPG
Gian hàng của đồng bào thiểu số vùng cao Nam Giang.

Ngoài ra, lễ hội còn có sự góp mặt của các sản phẩm từ núi rừng Nam Giang, do đồng bào dân tộc thiểu số mang đến. Du khách có cơ hội khám phá mật ong rừng, măng khô, dưa Lào, đậu các loại, kiệu rừng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gùi, rổ đan bằng mây tre.

Những sản phẩm xanh này không chỉ tạo dấu ấn về văn hóa mà còn thể hiện sự bền vững trong phát triển du lịch, gắn kết con người với thiên nhiên. Rau an toàn từ vùng rau Trà Quế cũng được du khách tranh mua những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-7-1725289371.JPG
Du khách Đà Nẵng tham quan, mua sắm tại các gian hàng.
60-gian-hang-san-pham-dia-phuong-tham-gia-le-hoi-co-co-8-1725289378.JPG
Đông đảo người dân, du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm địa phương.

Mặc dù mới khai mạc, lễ hội đã nhanh chóng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo nên bầu không khí rộn ràng, sôi động. Các gian hàng nông sản và dược liệu, đặc biệt là các sản phẩm xanh, luôn chật kín khách hàng. Sự quan tâm dành cho những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm địa phương đến du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Cổ Cò 2024 không chỉ tạo cơ hội giao lưu văn hóa mà còn có nhiều hoạt động thể thao và giải trí hấp dẫn. Du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak dọc sông Cổ Cò, dù lượn trên mặt nước, hoặc thư giãn với những buổi thưởng trà chiều bên dòng sông hoàng hôn. Các màn trình diễn nghệ thuật như saxophone, múa lửa, múa bụng, ban nhạc quốc tế và DJ sôi động đã mang lại những khoảnh khắc giải trí đầy ấn tượng, góp phần tạo nên bầu không khí sống động cho lễ hội.

Ngoài các hoạt động vui chơi giải trí, du khách còn có thể tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp tái tạo năng lượng sau những giờ phút trải nghiệm. Sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa, thể thao, và chăm sóc sức khỏe đã tạo nên một không gian lễ hội toàn diện, hấp dẫn nhiều đối tượng du khách khác nhau.

Ông Đinh Cao Cường, Văn phòng UBND phường Cẩm An, TP. Hội An) cho hay, lễ hội Cổ Cò 2024 không chỉ là sự kiện nhằm khám phá vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên của dòng sông Cổ Cò, mà còn là nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của "du lịch xanh." Nhờ sự đa dạng của các sản phẩm xanh và các hoạt động thân thiện với môi trường, lễ hội đã mang đến một cái nhìn mới về du lịch bền vững, giúp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và phát triển kinh tế địa phương. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ, mở ra hành trình mới cho du khách khi đến với Hội An và vùng đất Quảng Nam./.
 

Tiên Sa