EU thống nhất mức giá trần khí đốt

Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần giá khí đốt là 180 Euro/MWh, áp dụng từ giữa tháng 2/2023.

Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp này, vốn gây chia rẽ trong toàn khối khi EU tìm cách chế ngự cuộc khủng hoảng năng lượng. Biện pháp này sẽ áp dụng từ ngày 15/2/2023, trong đó giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt vượt quá mức 180 Euro/ MWh trong vòng 3 ngày.

eu-9092-1671542813.jpg
Ảnh minh họa.

Sau khi biết tin, Điện Kremlin cùng ngày đã tuyên bố mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên 180 euro/MWh mà Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sau nhiều tháng tranh cãi là "không thể chấp nhận được".

Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định: "Đây là sự vi phạm quy luật thị trường quyết định giá cả… bất kỳ sự đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được”.

Khi trần giá khí đốt được thông qua, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và có khả năng khiến các công ty tiện ích chuyển sang giao dịch tư nhân, chấp nhận rủi ro lớn nhằm tránh mức giá trần. Đây cũng là mối lo ngại của Hiệp hội Giao dịch Năng lượng châu Âu.

Châu Âu đã đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau.

Giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, tăng hóa đơn của các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất.

Thi Nguyên (t/h)