Châu Âu giải bài toán khó về khí đốt khi Nga giảm cung ứng

Tập đoàn Gazprom (Nga) ngày 25/7 cho biết, lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu m3/ngày, chỉ tương đương 20% công suất kể từ ngày 27/7.

Chỉ vài ngày sau khi đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức cung cấp cho các nước châu Âu qua biển Baltic được vận hành trở lại, tập đoàn Gaprom thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống này.

Tập đoàn này thông báo, từ sáng 27/7, công suất qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí/ngày. Giải thích cho việc này, tập đoàn Gaprom đưa ra là phải sửa chữa một tuabin khác.

Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream đã giảm xuống còn 40%, khi Gazprom nói rằng việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng ở Canada. Tuabin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.

Hôm 21/7, việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đã bắt đầu hoạt động trở lại, sau thời gian bảo trì kéo dài 10 ngày, nhưng lưu lượng khí đốt chỉ đạt 40% công suất.

1658712664-fecc5cb01d379db3fe0d489f361973de-width850height478-1658803886.jpg
Một đoạn trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 của Nga. Ảnh minh họa

Gần đây, Nga cũng cảnh báo có thể phải tiếp tục cắt giảm công suất vận chuyển qua Nord Stream 1 do phải sửa chữa thêm các tuabin.

Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc Nga cố tình siết chặt nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch ở Ukraine. Trong khi đó, Moscow đổ lỗi cho châu Âu vì đã chậm giao các tuabin của đường ống Nord Stream 1 đã được gửi đi bảo trì ở Canada.

Theo Reuters, nếu thiếu nguồn cung từ Nga, các nhà máy châu Âu có thể phải đóng cửa, gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế. Châu Âu lo ngại khi giá khí đốt tiếp tục tăng, và các chính phủ phải chuẩn bị cho mùa Đông đang đến gần, với nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh, đặc biệt Đức là quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt nhập từ Nga.

Nga hiện là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Ước tính mỗi năm, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/7 khẳng định Nga sẽ không cắt hoàn toàn lượng khí đốt xuất sang châu Âu, dù đang gặp trục trặc về các tuabin.

Phương Ly (t/h)