ESG là tiền đề hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam

Thực hiện bộ tiêu chí về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) là chìa khóa để bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đây là xu hướng chung của toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, bởi đây là tiền đề hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.
esg-la-tien-de-huong-den-su-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-viet-nam-2-1726213604.jpg
Việc thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được quan tâm sâu sắc và nghiêm túc hơn bởi cộng đồng doanh nghiệp.(Ảnh minh họa)

Thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được quan tâm

Các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững gắn liền với kinh tế tuần hoàn hiện đang là xu hướng toàn cầu. Trong đó, việc thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được quan tâm sâu sắc và nghiêm túc hơn bởi cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, sự phối hợp giữa nhiều tổ chức nhằm đưa ra các thảo luận, ý kiến tổng hợp từ các chuyên gia là rất kịp thời và cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để thực hành ESG, doanh nghiệp cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc ở từng tiêu chuẩn: E-Môi trường, S-Xã hội và G-Quản trị. Các doanh nghiệp cần lưu ý đến yếu tố liên quan đến quản trị, bởi lẽ quản trị tốt sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, xã hội.

Trong yếu tố về quản trị, vấn đề quản trị rủi ro là điểm cần được chú trọng. Rủi ro ESG hiện nay là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi bước vào thực hành tiêu chuẩn này. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Theo cáo cáo mới đây của Delta West, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang đứng trước một thời điểm quan trọng khi thị trường toàn cầu ngày càng ưu tiên tính bền vững. Sự chuyển dịch sang chủ nghĩa bảo hộ và các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt này đặt ra những thách thức đáng kể cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế chúng ta.

esg-la-tien-de-huong-den-su-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-viet-nam-1-1726213580.jpg
ESG là tiền đề hướng đến sự phát tiển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Báo cáo chỉ ra rằng trong khi các yếu tố Xã hội và Quản trị thường được các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu áp dụng nhiều hơn, thì những ngành giải quyết vấn đề bền vững và biến đổi khí hậu hiện nay đang trở thành xu hướng trong tương lai. Có năm lý do cho thấy việc triển khai chiến lược ESG là cần thiết để duy trì thành công trong kinh doanh của các công ty Việt Nam.

Thứ nhất, phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và duy trì khả năng tiếp cận thị trường. Việt Nam đang là nước có một nền kinh tế xuất khẩu, phụ thuộc rất nhiều vào Liên minh châu Âu (EU). Hiện EU chiếm 16% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là khu vực nhập khẩu lớn thứ ba các sản phẩm của Việt Nam trên thế giới.

Trong số mười mặt hàng xuất khẩu hàng đầu năm 2023, một số lượng đáng kể chịu tác động của Thỏa thuận xanh của EU - một bộ sáng kiến chính sách toàn diện nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050.

Điển hình như, chính sách nghề cá chung, một phần của thỏa thuận này yêu cầu phải đại tu toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm một cách bền vững. Ngành thủy sản Việt Nam phải phát triển một hệ thống hoạt động nuôi trồng và sử dụng nước bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường để đáp ứng các quy định của EU; và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật.

Tương tự, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) yêu cầu các nhà xuất khẩu thép và sắt phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải carbon của EU hoặc phải đối mặt với giá carbon hoặc thuế CBAM. Để duy trì khả năng cạnh tranh, các công ty xuất khẩu của Việt Nam phải khẩn trương triển khai các chiến lược chuyển đổi bền vững. Việc chấp nhận những thay đổi này là điều cần thiết để đảm bảo tương lai của họ trên thị trường thúc đẩy tính bền vững.

Cam kết ESG giúp nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp

Thứ hai, để nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu, các công ty áp dụng cam kết ESG nâng cao hình ảnh và danh tiếng của mình trước công chúng là điều rất quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức và quan tâm đến những tác động về mặt đạo đức của các giao dịch mua hàng của họ.

Báo cáo đưa ra ví dụ điển về việc triển khai ESG tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là thương hiệu liên tiếp 6 năm liền nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.

Những nỗ lực của Vinamilk trong việc đưa các tiêu chuẩn ESG vào hoạt động đã giúp điểm ESG của công ty cao hơn mức trung bình của ngành và mức trung bình của VN100.

Gần đây, Vinamilk cũng đã được công nhận là một trong 5 công ty toàn cầu hàng đầu về phát triển bền vững, đạt Giá trị nhận thức về phát triển bền vững là 253 triệu đô la Mỹ. Vinamilk là công ty Đông Nam Á duy nhất góp mặt trong top 5 danh giá này.

1819-trang-trai-vinamil-3-1726213701.jpg
Trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm – mô hình được Vinamilk ra mắt từ năm 2021. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, giảm chi phí đáng kể. Các sáng kiến ESG cũng có thể giúp giảm đáng kể chi phí, đặc biệt là giảm thiểu chi phí hoạt động tăng cao, bao gồm cả chi phí liên quan đến nguyên liệu thô, nước và carbon.

Đơn cử, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) đã tiết kiệm được khoảng 73% chi phí nước từ các nhà cung cấp bên ngoài thông qua việc triển khai hệ thống Tháp giải nhiệt, làm mát nước từ 350°C đến 380°C để tuần hoàn.

"Nhìn chung, theo ước tính của chúng tôi thông thường khi phát triển các lộ trình khử carbon cho các công ty sẽ có khoảng một phần ba đến một nửa số đòn bẩy cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0," báo cáo nhấn mạnh.

Thứ tư, thu hút và giữ chân nhân viên. Cam kết ESG mạnh mẽ sẽ tăng cường sức hấp dẫn của công ty với tư cách là nhà tuyển dụng, tạo ra lực lượng lao động gắn kết và có động lực hơn.

Tuy nhiên, những phát hiện từ Khảo sát về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 của PwC cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng trong số những người lao động trong khu vực, với 73% cảm thấy không được hỗ trợ trong những nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường của công ty.

Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các công ty không chỉ là áp dụng các chính sách ESG mà còn phải thực hiện chúng một cách hiệu quả và truyền đạt rõ ràng những nỗ lực của mình tới nhân viên.

Thứ năm, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư ngày càng chú ý đến các yếu tố ESG, với gần 80% coi chúng là quan trọng trong các quyết định đầu tư và khoảng 50% sẵn sàng thoái vốn khỏi các công ty không hành động về các vấn đề ESG. Do đó, các công ty phù hợp với kỳ vọng ESG sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư hơn và duy trì được sự tự tin của nhà đầu tư./.

Quốc Cường