Đường mía nghi gian lận thuế từ doanh nghiệp Indonesia lên đến 1.200 tỷ đồng

Ngày 27/1/2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn số 08 gửi Bộ Tài Chính kiến nghị áp thuế MFN (tối huệ quốc) đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.

Theo VSSA, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu đường sản xuất từ mía sang Việt Nam khi vượt quá 50% năng lực sản xuất đường từ mía.

Khi Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia là công ty duy nhất có sản phẩm đường xuất khẩu vào Việt Nam sau khi quyết định 1514/QĐ-BTC Quyết định về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía có hiệu lực.

Tuy nhiên, chỉ tính từ ngày quyết định 1514 có hiệu lực đến ngày 31/12/2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất đã lên đến 165.652 tấn.

mia-1676437837.jpg
Đường mía nghi gian lận thuế từ doanh nghiệp Indonesia lên đến 1.200 tỷ đồng. (Ảnh: chinhphu)

Do vậy VSSA đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan về dấu hiệu của hành vi gian lận khai báo xuất xứ đối với các lô đường nhập khẩu do công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất (để hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ATIGA).

VSSA thông tin, loại đường gian lận xuất xứ này hiện đang tràn ngập thị trường, khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được và có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Ước tính khối lượng đường gian lận xuất xứ 165.652 tấn nêu trên có thể gây thất thu thuế tối thiểu khoảng 1.200 tỉ đồng.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành mía đường và ngăn chặn việc thất thu thuế cho nhà nước, trong khi chờ kết quả xác minh xuất xứ hàng hóa, VSSA kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tạm thời áp dụng thuế suất MFN đối với lô hàng của công ty này xuất khẩu vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Do phát hiện các lô hàng nhập khẩu đường từ Indonesia và Malaysia có dấu hiệu khai báo gian lận xuất xứ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ngày 18/01, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Tổng Cục Hải quan nhằm tăng cường thanh kiểm tra, xác minh xuất xứ của đường mía khi và truy thu thuế nếu phát hiện vi phạm.

Theo Quyết định số 1514/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía. Nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%; trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành trên cơ sở quá trình điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.

Khánh Ngân