Du lịch Việt Nam tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh từ hành động bảo vệ môi trường

Du lịch là lĩnh vực nhạy cảm với các vấn đề môi trường, vì vậy ngành du lịch cần đi trước trong quá trình chuyển đổi xanh. Từ đó các sản phẩm du lịch xanh của Việt Nam sớm được tung ra thị trường quốc tế và góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam.

Trên đây là nhận định của ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại Hội thảo tập huấn về Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch gắn với xây dựng sản phẩm du lịch xanh.

du-lich-xanh-03-1711784843.jpg
Những sản phẩm du lịch mang thông điệp bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng. (Ảnh minh họa)

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Thế Bình cho biết: Bảo vệ môi trường rất quan trọng với phát triển du lịch, vì vậy năm 2024 ngành du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Đây là xu hướng chung của nhiều điểm đến trên thế giới, nên khách du lịch quốc tế cũng đã có nhận thức và nhu cầu trải nghiệm loại hình du lịch này. Bởi vậy, Ninh Bình cũng có thể phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch xanh của Việt Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, mặc dù tại Việt Nam du lịch xanh chưa được phát động thành phong trào sâu rộng, nhưng đã có một số điểm đến tại Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh... và nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động chuyển đổi xanh trong các hoạt động lữ hành, lưu trú, nhà hàng... Nổi bật là khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort (Quảng Nam) đã chính thức công bố là Khách sạn không còn rác thải nhựa thải ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần.

du-lich-xanh-01-1711784886.jpg
Huyện Gia Viễn (Ninh Bình) tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường Khu du lịch đầm Vân Long. (Ảnh Nguyễn Trường)

Ông Phùng Quang Thắng (Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam) cho biết việc tham gia giảm thiểu rác thải nhựa sẽ đem lại cho doanh nghiệp, điểm đến nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí hoạt động, tiếp cận với thị trường khách du lịch có nhận thức tích cực về bảo vệ môi trường, tiếp cận các tổ chức quốc tế có uy tín, định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cũng đang xây dựng tuyến du lịch xanh Hà Nội - Ninh Bình, kết nối các đơn vị cung ứng dịch vụ theo tiêu chí xanh để hình thành sản phẩm đưa ra thị trường, sao cho phù hợp với thị hiếu khách du lịch và phát triển bền vững.

Chương trình tập huấn lần này được tổ chức tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), nơi đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh ở Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Theo bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, địa phương đang tham khảo các bộ tiêu chí về du lịch xanh, giảm thiểu rác thải nhựa vì đây cũng là định hướng phát triển du lịch của huyện.

"Ngành du lịch Gia Viễn vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, chưa có nhiều cơ sở lưu trú. Vì vậy việc ứng dụng tiêu chí du lịch xanh, giảm rác thải nhựa ngay từ đầu sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn. Gia Viễn cũng đang xây dựng mô hình trải nghiệm 'Ngày chủ nhật xanh' cho du khách, kết hợp trải nghiệm du lịch nâng cao kỹ năng sống với việc dọn vệ sinh môi trường và làm sản phẩm tái chế từ rác thải, tạo ra các hộp quà xanh và phát triển du lịch cộng đồng", bà Vũ Thị Dược cho biết.

Những chuyển động tích cực về giảm rác thải hoạt động du lịch

Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam" được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai thí điểm tại thành phố Hội An (Quảng Nam) và huyện Gia Viễn (Ninh Bình), bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực cũng như tính khả thi để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Tại Ninh Bình, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được chú trọng; các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được ứng dụng linh hoạt ở một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024 là giai đoạn 3 của dự án bao gồm: Ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá điểm, xếp hạng cơ sở nói không với rác thải nhựa và công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa, từ đó tập trung xây dựng sản phẩm du lịch xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương pháp bảo vệ môi trường từ góc độ du lịch, những mô hình thực tế giảm thiểu rác thải nhựa… Đồng thời, giải đáp một số thắc mắc liên quan đến phương pháp tính điểm và đánh giá khi các đơn vị tham gia Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp không rác thải nhựa.

du-lich-xanh-02-1711784918.jpg
UBND huyện Gia Viễn phối hợp với các đơn vị liên quan tặng giỏ đựng rác cho các lái đò tại Khu du lịch đầm Vân Long với thông điệp "Chở xanh - Thở lành". (Ảnh Nguyễn Trường)

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam giới thiệu Bộ Tiêu chí giảm thiểu rác thải nhựa tại doanh nghiệp du lịch, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm đến du lịch tự nguyện tham gia giảm thiểu rác thải nhựa. Một ứng dụng (app) trên các thiết bị di động về quản lý rác thải nhựa tại doanh nghiệp cũng được xây dựng.

Đối với doanh nghiệp du lịch, giúp nhân sự quản lý doanh nghiệp nắm rõ tình hình về rác thải nhựa trong cơ sở của mình, từ đó đăng ký tham gia thực hiện bộ tiêu chí doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.

Tại Hội chợ VITM Hà Nội 2024 sắp tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các đơn vị tham gia không sử dụng chai nước nhựa và túi ni lông trong Hội chợ; vận động đối tác, khách hàng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham gia Hội chợ; tích cực thực hiện các hành động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, hướng tới thực hiện VITM không rác thải nhựa.

Ban Tổ chức Hội chợ sẽ cung cấp cho mỗi gian hàng mỗi ngày một bình nước uống to (20l) kèm 20 cốc giấy miễn phí để sử dụng. Bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch tham gia giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kêu gọi người dân, du khách khi tham gia Hội chợ tích cực hưởng ứng, không sử dụng vật dụng bằng nhựa dùng một lần./.

Trọng Bình