Dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng có chất lượng

Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn, tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh
doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-1639269161.jpg
Ảnh minh họa

Thời gian qua, đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn, tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.

Trong 11 tháng năm 2021, Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp vốn đăng ký mới cho 1.577 dự án, với trị giá đạt hơn 14 tỷ USD. Vốn đăng ký điều chỉnh có 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm hơn 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tín hiệu đáng mừng là các dự án đầu tư vào Việt Nam đang hướng đến giá trị gia tăng cao: “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Và hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và trong các tỷ lệ ngành nghề nhà đầu tư tại Việt Nam thì ngành chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao và tỷ trọng này ngày càng cao. Chúng ta đang hướng tới ngành có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa cao và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, là những dòng đầu tư vào Việt Nam”.

Hiện, nhiều địa phương đã sẵn sàng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đồng thời sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Một số địa phương tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn như Bắc Ninh, Đà Nẵng...

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch Covid-19”. Các chuyên gia cũng cho rằng, để đón sóng FDI vào Việt Nam, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới các tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ. Việt Nam nên lập đơn vị chuyên trách để hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành và sẵn sàng giải quyết những vướng mắc của họ để rút ngắn quá trình đăng ký, triển khai đưa dự án vào hoạt động, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư./.