Đồng Tháp có trên 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, trong đó, tỉnh có trên 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen, 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen tại tỉnh Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Theo ghi nhận, huyện Tháp Mười là một trong những địa phương khai thác hiệu quả thế mạnh cây sen kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với cây sen. Huyện có 19 sản phẩm từ cây sen đạt OCOP. Các sản phẩm này đều được trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch Khu du lịch Đồng sen Gò Tháp, các điểm du lịch sinh thái...

sen-a-1691659031.jpg
Đồng Tháp có trên 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen - Ảnh minh họa.

Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và đang thực hiện. Dự án nhằm phát triển các sản phẩm từ sen, điểm du lịch về sen trở thành sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị, kết nối thị trường, gia tăng giá trị kinh tế và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Tháp Mười nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Bên cạnh đó, hướng đến sự kiến tạo hình ảnh đặc thù của huyện Tháp Mười có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao gắn liền với hình ảnh và biểu tượng sen của tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, huyện Tháp Mười đã đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen trở thành vùng trọng điểm, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện (2 vụ) đạt 1.000ha; hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc. Duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình COOP.

Ghi nhận cho thấy, việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: Trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy...

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen như: sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lứt hạt sen, rượu hồng sen tửu… với mục đích tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù đạt OCOP, thu hút du khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp.

Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức giới thiệu, cung cấp hơn 500 sản phẩm từ sen; 200 món ăn chế biến từ sen xác lập kỷ lục, thỏa mãn nhu cầu ẩm thực thực khách gần xa. Thương hiệu và giá trị cây sen cũng được nâng cao, với rất nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, từ trà sen, sữa sen, hạt sen sấy, cho đến hàng trăm món ăn được sáng tạo quanh cây sen.

Mục tiêu phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đến năm 2025 với 1.350 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn, năng suất trung bình đạt 8,5 tấn/ha. Vùng trồng sen Đồng Tháp đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cây sen, trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sen hồng.

Hoàng Hà (t/h)