Đồng Nai: Nông dân hưởng lợi từ chương trình OCOP

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi là Chương trình OCOP)
10-ocop-16032887727471100885841-1636244115.jpg
Ảnh minh họa

Nhờ thực hiện chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều nông dân, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn H. Xuân Lộc đã thay đổi thói quen sản xuất. Từ đó, cải thiện năng suất và gia tăng thu nhập. Hiện địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP nhằm hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Thay đổi thói quen làm nông nghiệp

Gia đình bà Cao Thị Tuyết Sương (ấp Bình Hòa, xã Bảo Hòa) có gần 1ha chôm chôm, trước đây cho thu nhập khoảng 30-70 triệu đồng/năm. Nhưng cũng vườn chôm chôm này, vụ mùa năm 2021, bà Sương thu được 130 triệu đồng. Bà Sương chia sẻ, lúc trước chôm chôm giá rẻ. Trúng mùa, trúng giá được khoảng 70 triệu đồng. Mất mùa, mất giá chỉ được vài ba chục triệu đồng, bà nản không muốn chăm sóc. Năm 2018, bà bắt tay ghép cành, trồng thay thế chôm chôm Thái. Bà đầu tư thêm đường ống nước, phân gia súc, đến kỳ tự thu hoạch bán cho thương lái. Nhờ đó, thu nhập tăng gấp 2-3 lần.

“Từ khi chuyển sang trồng chôm chôm Thái, tôi không phải ngồi chợ bán lẻ từng ký như trước. Đến mùa, thương lái vào mua trọn vườn hoặc mình thu hoạch rồi chủ vựa đến vườn cân. Giá cả theo thị trường” - bà Sương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sinh là người trồng cà phê lâu năm ở xã Xuân Tâm. Do không cầm cự nổi với giá cà phê xuống thấp, năm 2015, ông đã cưa bỏ loại cây này. Được Phòng NN-PTNT huyện định hướng, ông Sinh chuyển sang trồng sầu riêng giống Thái và Ri6, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Sau 2 năm thu hoạch quả, ông Sinh đã lấy lại được chi phí đầu tư.

Ông Sinh cho biết, để sầu riêng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, ông gần như bỏ hẳn phân bón hóa học. Thay vào đó, ông bao tiêu cá thải, phân cá của những hộ nuôi cá quanh hồ Gia Ui về ủ rồi bón cho cây. Ông dùng chai nước suối cắt ra, đặt chất dẫn dụ ruồi vàng treo khắp vườn. Nhờ vậy, năng suất quả vượt trội, hình thức bắt mắt, chất lượng thơm ngon. Mùa thu hoạch, thương lái tự tìm đến vườn đặt hàng.

Còn tại xã Xuân Phú, 90% người dân trồng lúa của địa phương đã đăng ký tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Phần lớn sản phẩm lúa, gạo của bà con được HTX trên địa bàn bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường bình quân 1-2 ngàn đồng/kg.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến chia sẻ, để tạo ra sản phẩm lúa, gạo chất lượng tốt, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với nông dân trên cơ sở thỏa thuận có sự chia sẻ lợi ích giữa các bên. HTX chủ động kết nối với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; thống nhất chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát quy trình chăm sóc. Đến mùa, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm lúa của các thành viên đem xay xát, đóng gói với nhãn hiệu Lúa gạo sạch Xuân Tiến cung cấp cho các đại lý ở trong tỉnh và TP.HCM.

Ông Phan Thanh Xứng, Chủ tịch Hội Nông dân H. Xuân Lộc cho rằng, người nông dân trực tiếp sản xuất, đơn vị thu mua và cơ sở chế biến, người tiêu dùng đang hưởng lợi từ chương trình OCOP. Nhờ thực hiện chương trình, nông dân đã dám nghĩ, dám làm, thay đổi thói quen sản xuất; tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và tạo ra sản phẩm mới. Thu nhập bình quân của người dân nâng lên 63 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp (gồm trồng trọt, chăn nuôi) đạt gần 340 triệu đồng/ha/năm.

Nâng tầm sản phẩm có lợi thế của địa phương

Thời gian qua, H. Xuân Lộc tập trung thực hiện chương trình OCOP. Trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 7 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (trứng gà Thanh Đức), 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (dưa lưới Trang trại Việt, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa, tiêu đen Xuân Thọ, xoài Đài Loan của HTX Xoài Suối Lớn và rau xà lách gai của HTX Rau Lộc Tiến) theo bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP. 2 sản phẩm tỉnh đang thẩm định là xoài Đài Loan của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bầu Sình, cà phê Phú Sỹ của Cơ sở Cà phê Phú Sỹ.

Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, địa phương có 36 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Do đó, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Để tiếp tục thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, Hội Nông dân huyện và cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký tham gia. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai đến bà con nông dân; khảo sát, lựa chọn mỗi xã 2 mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện chương trình. Phối hợp với Phòng NN-PTNN huyện hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, CLB năng suất cao trên địa bàn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ kỹ thuật truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và đăng ký chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai chương trình OCOP còn nhiều khó khăn, thách thức. Ðó là việc hình thành chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng tốt, thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số khác chưa xây dựng được vùng nguyên liệu đủ đáp ứng cho chế biến, sản xuất còn mang tính chất thời vụ.

Theo Phó chủ tịch UBND H. Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh, để giúp nông dân có thể làm giàu bằng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, HTX, tổ hợp tác và gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Xuân Hưng, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản sử dụng nguyên liệu, lực lượng lao động tại địa phương nhằm mang lại lợi ích cộng đồng./.