Quảng cáo #128

Động lực nào giúp kinh tế Việt Nam bứt tốc trong năm 2024?

Xác định 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo đà tăng trưởng Việt Nam cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đồng thời, khai thác, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
trien-vong-kinh-te-viet-nam-01-1706663929.jpg
Việt Nam bước vào năm 2024 với tâm thế lạc quan, bởi về tổng thể, giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã ở phía sau. (Ảnh minh họa)

Đà bứt tốc đã hiện hữu trong một năm vượt khó

Theo Báo cáo, dữ liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố vào cuối năm ngoái (29/12/2023) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng lên 6,72% so với cùng kỳ trong Quý IV/2023, kéo dài đà tăng trong Quý III/2023 (5,33% so với cùng kỳ) và Quý II/2023 (4,14% so với cùng kỳ).

Kết quả này cũng vượt xa cuộc thăm dò của Bloomberg là 6,00%, nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của chúng tôi là 7,00%. “Đây là một tín hiệu lạc quan trong một năm đầy thử thách”, UOB đánh giá.

Động lực chính trong Quý IV/2023 được UOB ghi nhận là sự đảo chiều của cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu từ mức giảm so cùng kỳ bắt đầu từ gần một năm trước (kể từ tháng 11/2022) khi lập trường chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới và sự suy thoái trong nhu cầu ngành bán dẫn xảy ra đã tác động đến nhu cầu bên ngoài tại Việt Nam và các nơi khác.

“Điều này dẫn đến sự sụt giảm chưa từng có về sản lượng sản xuất trong Quý I/2023 (không kể đến Quý III/2021 do lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19), tuy nhiên sau đó đã quay trở lại vùng tích cực trong các quý tiếp theo cùng với sự cải thiện trong hoạt động ngoại thương”, báo cáo nhận định.

Theo báo cáo của UOB, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05% vào năm 2023 do chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài bị suy yếu và trên nền cơ sở tăng cao trong năm trước. Trong năm tới, vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.

Xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm - đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, do đó kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Một yếu tố khác cần xem xét là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Chính phủ Việt Nam ước tính rằng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (601 triệu USD) cho nhà nước.

Vấn đề quan trọng hơn là các ưu đãi thuế khác nhau như thuế suất ưu đãi, miễn thuế, cùng nhiều ưu đãi khác dành cho các MNE đã giúp giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 20%. Với sự thay đổi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các MNE sẽ cần tính đến chi phí thuế cao hơn trong kế hoạch kinh doanh trong tương lai của mình. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp để bù đắp GMT, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.

trien-vong-kinh-te-viet-nam-03-1706663916.jpg
Để khai thác các động lực tăng trưởng mới, việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho xây dựng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa)

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%. Chúng tôi dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, với dự báo CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức 3,7% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023”, UOB nhận định.

Về chính sách tiền tệ, UOB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6 năm 2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.

Những động lực giúp kinh tế Việt Nam bứt tốc

Xác định là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo đà tăng trưởng chúng ta cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đồng thời, khai thác, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đưa ra nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư. Cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng…

Để khai thác các động lực tăng trưởng mới, việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho xây dựng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo... là rất cần thiết. Cùng với đó, phải lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực: "Với các động lực tăng trưởng mới cần có cái khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn. Chúng ta muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình kinh doanh mới nó phải có cơ chế thử nghiệm để chúng ta làm. Do đó tôi mong rằng, năm nay chúng ta làm cái này ở mức độ tốt lên. Thứ hai, chúng ta phải tăng năng suất lao động và tăng trưởng xanh- đặc biệt liên quan đến câu chuyện về Net zero, về mặt định hướng chiến lược hiện tốt; nhưng vấn đề về Đề án, chương trình và giải pháp cụ thể thì cần phải thúc đẩy hơn trong thời gian tới".

trien-vong-kinh-te-viet-nam-02-1706663994.jpg
Năm 2024 kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn là thách thức. (Ảnh minh họa)

Bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm nay, bà Minh Đặng, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, năm 2024 Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn là thách thức.

"Đối với ngành sản xuất, năm 2023 Việt Nam có 1 năm rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là do vấn đề trên toàn thế giới phải trải qua một chu kỳ là giảm hàng tồn kho. Hiện nay chúng tôi theo dõi về chỉ số hàng tồn kho của các nhà sản xuất ở Châu Âu, Châu Mỹ và chỉ số hàng tồn kho của các nhà ở bán lẻ các khu vực trên thế giới, thì mức hàng tồn kho này đã về mức bền vững. Do đó có thể kỳ vọng đáy của nền sản xuất của Việt Nam cũng đã qua. Và năm 2024 sẽ là năm phục hồi kinh tế" - bà Minh Đặng cho biết.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế, năm 2024, nhiều quốc gia có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tài chính-tiền tệ, cùng sự gia tăng trở lại nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới.

Việt Nam bước vào năm 2024 với tâm thế lạc quan, bởi về tổng thể, giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã ở phía sau, nhất là với một số lĩnh vực như bất động sản và dệt may, gia dày và công nghiệp điện tử... Hầu hết các chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023.

IMF dự báo năm 2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024. Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín khác còn tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng trung hạn hàng năm khoảng 7% GDP./.

Trọng Bình