Doanh nghiệp Việt Nam cần được hướng dẫn chi tiết để thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Theo các chuyên gia, việc xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính không phải là một quá trình đơn giản mà đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và cam kết từ doanh nghiệp.
phong-su-2-1731984791.jpg
80 doanh nghiệp xi măng sẽ phải kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm/lần.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu (EU) ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU. Theo đó, từ ngày 01/01/2026, CBAM chính thức vận hành sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh đó, vào ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo đó, có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định  giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và được cập nhật 02 năm một lần. Kết quả kiểm kê là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tất nhiên, nếu các con số kiểm kê là khoa học, xác thực.

Xi măng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn, chiếm gần 75% tổng phát thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Từ ngày 1/10/2024, 80 cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm/lần theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 7/1/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

phong-su-21-1731984791.jpg
2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024.

PGS.TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành gần như đã nắm rất rõ những thông tin, tác động của hạn ngạch, các doanh nghiệp đều đã nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm phải kiểm kê khí nhà kính. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, chuyển đổi năng lượng, áp dụng các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Mặc dù Nhà nước đã có nghị định 06, tuy nhiên để doanh nghiệp có thể thực hiện được thì cần phải có thông tư, tiêu chuẩn, quy định tính toán và đo đạc chi tiết hớn nữa. Hiện nay, chúng tôi có mới chỉ đang tính toán thuần túy trong hóa học, để tính toán được là doanh nghiệp phát sinh ra bao nhiêu, đã đủ hạn ngạch hay vượt mức thì còn rất lúng túng. Vì vậy, chúng tôi mong sớm có công cụ, tiêu chuẩn để đo lường, để cho các doanh nghiệp biết được mình đã đạt hay vượt mức hạn ngạch để có các giải pháp phù hợp”.

Đồng tình với khó khăn này của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu xanh (GreenCIC), chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho hay, qua khảo sát đến nay, ngoài một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp đã có sự chuẩn bị nghiêm túc để ứng phó thì hầu hết doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ, chính xác về CBAM, dẫn đến những phản ứng, chuẩn bị chưa hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hàng hóa khi xuất khẩu phải vượt trên ngưỡng phát thải do EU quy định mới phải chịu tác động của CBAM nhưng thực tế CBAM không chỉ yêu cầu dữ liệu trong phạm vi doanh nghiệp mà còn yêu cầu dữ phát thải của chuỗi cung ứng, cụ thể là của nguyên liệu đầu vào. Nếu các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, hoặc đơn vị cung ứng không có số liệu phát thải thì sẽ gặp khó khăn cho việc báo cáo”.

phong-su-22-1731984790.jpg
Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính trong dài hạn.

Hiện nay, các thông tin về kiểm kê khí nhà kính, các hướng dẫn kỹ thuật thì do các bộ, ngành cung cấp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ tham khảo các hướng dẫn đó, sẽ khó áp dụng để tự thực hiện kiểm kê cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, doanh nghiệp có thể hợp tác với các đơn vị tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm về kiểm kê khí nhà kính có thể giúp doanh nghiệp xác định đúng các công cụ và phương pháp đo lường phù hợp với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp từ đó xây dựng chiến lược tín chỉ carbon hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) chia sẻ: “Trên cơ sở kết quả kiểm kê KNK, doanh nghiệp sẽ xác định được mức phát thải, cường độ phát thải KNK của doanh nghiệp và có thể so sánh với Định mức phát thải khí nhà kính của lĩnh vực do nhà nước công bố từ đó biết được doanh nghiệp đang nằm ở đâu trên bản đồ phát thải của Việt Nam.

Dựa vào kết quả kiểm kê, doanh nghiệp có thể nhận diện các nguồn phát thải lớn trong cơ cấu phát thải của doanh nghiệp ví dụ phát thải từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, tiêu thụ điện, xử lý nước thải công nghiệp…, các cơ hội giảm phát thải, ví dụ như việc cải thiện hiệu quả năng lượng hoặc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo...,đồng thời nhận diện các thách thức trong việc giảm phát thải, chẳng hạn như chi phí chuyển đổi công nghệ, thay thế nhiên liệu, nguyên liệu... Từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải cụ thể và có thể đo lường”.

Để đáp ứng yêu cầu kiểm soát được ít nhất 85% tổng phát thải khí nhà kính như quy định của Thoả thuận Paris, số lượng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Bên cạnh các cơ sở bắt buộc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính cũng đang tự nguyện thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Có thể thấy nhu cầu rất lớn thực hiện kiểm kê KNK tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới./.

Đông Nghi