Ngày 18/11, tại bản Pa Thơm (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên tổ chức Lễ phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống cháy rừng".
Tham dự có lãnh đạo các đơn vị, địa phương và đông đảo nhân dân của xã Pa Thơm; người dân bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ, Lào.
Tham dự buổi phát động các đại biểu được tiếp cận các nội dung như: Công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng; một số vấn đề về Luật Lâm nghiệp; những hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Ngoài ra, các đại biểu, người dân hai bên biên giới được tuyên truyền về đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của mỗi nước liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Lâm nghiệp trong quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới, đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới.
Qua đó, nâng cao ý thức cho quần chúng nhân dân tự giác, tích cực tham gia vận động gia đình, người thân phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính” trong công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Lê Đức Nghĩa- Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên khẳng định: "Bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Việt Nam) và bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) là hai bản có mối quan hệ dân tộc, thân tộc tốt đẹp, bền chặt từ lâu đời. Năm 2013, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương hai nước, bản Pa Thơm và Na Luông đã tổ chức kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới. Thông qua mô hình kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới có điều kiện giao lưu, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Lễ phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống cháy rừng", là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự hợp tác phát triển, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chính quyền và nhân dân hai nước về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của mỗi nước liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng cũng như tác hại của việc chặt, phá rừng và đốt nương làm rẫy bừa bãi".
Đại tá Lê Đức Nghĩa cũng mong muốn, thời gian tới, cán bộ, nhân dân bản Pa Thơm và Na Luông tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng theo các nội dung cam kết; tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới và chủ quyền an ninh biên giới, cùng nhau phát triển bền vững.
Ông Tòng Văn Linh, Trưởng bản Pa Thơm cho biết lễ phát động góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân của bản Pa Thơm và bản Na Luông về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của mỗi nước liên quan đến quản lý bảo vệ rừng; tác hại của việc chặt phá rừng, cháy rừng, đốt nương…
Theo ông Phon Văn, Trưởng bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ, Lào, chương trình là một nội dung trong cam kết thực hiện mô hình kết nghĩa bản-bản.
Thời gian tới, cán bộ và nhân dân bản Na Luông cùng cán bộ và nhân dân bản Pa Thơm đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng như cam kết; tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới và đường biên, mốc giới của mỗi nước…
Ngay sau lễ phát động, các hộ dân trong bản Pa Thơm đã ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2024-2025.
Các nội dung cam kết gồm không phá rừng làm nương; không đốt lửa, sử dụng lửa bừa bãi trong rừng; không chặt cây tươi làm củi, không buôn bán củi; không khai thác gỗ và lâm sản khác khi không được phép; làm đường băng cản lửa trước khi đốt nương, đốt lúc trời lặng gió, dập tắt hoàn toàn lửa trước khi ra về… Đồng thời phải kịp thời phát hiện và báo cho trưởng thôn (bản), Đồn Biên phòng, Ủy ban Nhân dân xã những đối tượng có hành vi xâm hại đến rừng để xử lý kịp thời và vận động người thân thực hiện đúng cam kết./.
Với 592 nghìn ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 62% diện tích tự nhiên); trong đó diện tích có rừng hơn 419 nghìn ha, Điện Biên được xếp vào nhóm các tỉnh có diện tích rừng lớn. Do vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Điện Biên luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Đến cuối năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44,01%. Đây là nỗ lực rất lớn của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Bởi trong khoảng 10 năm trở lại đây, rừng Điện Biên dần được phục hồi, bảo vệ nghiêm ngặt.