Thuế GTGT 5% giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón có động lực đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Ông Lê Văn Ngân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Việc áp dụng quy định thuế GTGT 5% khi đó doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đổi mới công nghệ, đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại, đồng thời giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
toa-dam-thue-phan-bon-3-1731984771.jpg
Chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức áp thuế 5%, sẽ đáp ứng được yêu cầu của các bên bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. (Ảnh minh họa)

Nội dung được trao đổi tại Tọa đàm "Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững" diễn ra ngày 17/11. Theo thông tin tại Tọa đàm, từ ngày 1/1/2015, Luật số 71 có hiệu lực, các mặt hàng này đã được chuyển thành đối tượng không chịu thuế GTGT và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) làm hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước, đồng thời không đạt được mục tiêu giảm giá bán mặt hàng phân bón khi xây dựng Luật số 71.

Do một số bất cập, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đã được đưa ra thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, phương án áp thuế VAT 5% đối với phân bón đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhằm bảo đảm cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu, vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.

toa-dam-thue-phan-bon-1-1731984805.jpg
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh CTV)

Phát biểu tại Tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, thuế VAT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Nghị trường Quốc hội trong thời gian qua đã rất “nóng” với vấn đề này vì Luật Thuế VAT ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là người nông dân.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng và ban hành chính sách là không để gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, đây là nguyên tắc bất di bất dịch để không ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của người nông dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Ngân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, trong 10 năm gần đây, kể từ khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, việc đầu tư mới cho các dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp phân bón bị chậm lại. Phần lớn các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp hiện rất lạc hậu.

Vì vậy, việc áp dụng quy định thuế GTGT 5% khi đó doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đổi mới công nghệ, đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại, đồng thời giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và phân bón nhập khẩu.

toa-dam-thue-phan-bon-2-1731984745.jpg
Áp dụng quy định thuế GTGT 5% khi đó doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ có động lực đổi mới công nghệ, đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và phân bón nhập khẩu.(Ảnh minh họa)

Đồng tình với những ý kiến tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế, GS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, kinh nghiệm ở các nước Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga đều có ưu tiên cho việc sản xuất vật tư, thiết bị nông nghiệp, đặc biệt là phân bón. Khi nói đến các ưu tiên về thuế đầu ra/vào, họ đều có thuế suất ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT với vật tư nông nghiệp và phân bón.

Tại Trung Quốc, đây là quốc gia nhập rất nhiều nguyên liệu đầu vào để sản xuất, thuế nhập khẩu được giảm 50% hoặc bằng 0, thuế VAT cũng áp mức thấp (11%). Khi các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu đều được nhà nước hỗ trợ lưu kho bãi, vận chuyển tại cảng… được nhà nước hỗ trợ, được hoàn thuế đã đóng trong nước.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích thêm, với mức áp thuế 5%, sẽ đáp ứng được yêu cầu của các bên bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. "Theo tính toán của chúng tôi, trong giai đoạn 2013-2014, qua khảo sát tại 4 doanh nghiệp phân bón lớn, giá đầu vào phân bón nhập vào là khoảng 3-4%. Nên chúng tôi đề xuất là áp thuế 5% vào phân bón, vì từ đó có cơ sở đủ để khấu trừ phần chiết khấu thuế đầu vào cũng không làm tăng giá trị phân bón quá nhiều".

“Việc sửa đổi Luật Thuế VAT lần này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập đời sống người nông dân. Qua đó, đưa nông nghiệp trở thành nền tảng hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam thăng hoa thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định./.

Bình Châu