Doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số đạt được nhiều dấu hiệu tích cực

Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 cho thấy, các doanh nghiệp ít nhiều dành ngân sách cho việc chuyển đổi số, do đã nhận thức về sự cần thiết về hành động này.

Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 vừa chính thức được công bố với chủ đề “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam”. Báo cáo được công bố dưới sự phối hợp của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình, xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, phân tích mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp và đưa ra những góc nhìn chuyên gia với một số bài học thành công của một số doanh nghiệp điển hình tiến hành chuyển đổi số thành công.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát đối với 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; bán buôn và bán lẻ; giáo dục và đào tạo; bất động sản… Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp và trên 80% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chỉ 12,6% là doanh nghiệp lớn.

sohoadn-key-17022023112806-1676877615.png

Về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện tại không còn sử dụng do các giải pháp này chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 và giờ không còn nhu cầu.

Hơn nữa trên thực tế, các đơn vị chuyển đổi số chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống. Cụ thể, 35,3% doanh nghiệp cho biết chỉ số hoá dữ liệu, quy trình. Hiện chỉ có một tỉ lệ nhỏ 2,2% doanh nghiệp cho biết đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Một số nghiệp vụ được doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhiều là: Quản lý xe, vận chuyển hàng hóa; kế toán; thương mại điện tử…

Trong khi, 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát lại đạt tỷ lệ 55% đã tham gia vào chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu toàn cầu và còn lại đang có kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 2 năm tới.

Về đầu tư cho chuyển đổi số, báo cáo cho biết chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ; 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Lo ngại hơn, có hơn 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Dù vậy, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp so với năm 2021, thể hiện ở số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.

Thi Nguyên (t/h)