Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần nhiều trợ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

Từ thực tế của các doanh nghiệp (DN) với phần lớn quy mô là DN vừa và nhỏ, hoạt động của các DN công nghiệp hỗ trợ thường gắn chặt với các địa phương. Do đó, cần có thêm các giải pháp nâng cao vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ từ Trung ương, từ đó thúc đẩy cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-1-1724978894.jpg
Quy mô nhỏ và nguồn lực yếu khiến công nghệ, thiết bị cũng như công tác quản trị của các DN công nghiệp hỗ trợ nói chung còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp phụ trợ khó tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn

Thời gian qua, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương với địa phương và các DN công nghiệp hỗ trợ đầu tàu được coi là điển hình đã được Bộ Công Thương triển khai, ghi nhận nhiều kết quả khá tích cực.

Tuy nhiên nhìn chung đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.

Là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, TP. Hải Phòng những năm qua đã thu hút được những dự án FDI có số vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Song theo ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng, vẫn còn nhiều khó khăn khi DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn do khả năng tài chính, nguồn lực còn hạn chế.

“Quy mô nhỏ và nguồn lực yếu khiến công nghệ, thiết bị cũng như công tác quản trị của các DN công nghiệp hỗ trợ nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế các DN quy mô còn rất nhỏ chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn do các DN lớn yêu cầu, nên gần như bất lực đứng ngoài chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo cũng như nhân sự, lao động của các DN công nghiệp hỗ trợ nói chung còn yếu”, ông Bảo thừa nhận.

doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-3-1724978927.jpg
Các DN công nghiệp hỗ trợ gần như không có kế hoạch sản xuất, chủ yếu phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.(Ảnh minh họa)

Nhận thấy yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn những sản phẩm, linh kiện trong công nghiệp hỗ trợ ngày càng cao, đòi hỏi sự phát triển bền vững, ông Dương Minh Hải, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghiệp KIMSEN (Bắc Ninh) cho rằng, không chỉ KIMSEN mà hầu hết các DN của Việt Nam đều đang rất thiếu và yếu khi đáp ứng những yêu cầu này.

“Muốn có công nghệ để đáp ứng những quy chuẩn và chất lượng cao của sản phẩm, các DN phải đầu tư máy móc gia công hiện đại, có độ chính xác rất cao như các trung tâm gia công CNC, các máy đo kiểm sản phẩm sau khi gia công… Mặt khác, hầu hết nguyên liệu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đều phải nhập khẩu, từ đó gây ra hạn chế trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm thay đổi thành phần để đạt được chất lượng mong muốn”, ông Hải nêu.

Cần thêm nhiều trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ

Từ thực tế của các DN để thấy được rằng, với phần lớn quy mô là DN vừa và nhỏ, hoạt động của các DN công nghiệp hỗ trợ thường gắn chặt với các địa phương. Do đó, cần có thêm các giải pháp nâng cao vai trò của địa phương trong triển khai các chính sách đồng bộ từ Trung ương, từ đó thúc đẩy cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng Lê Khắc Bảo đề nghị, cần một số cơ chế ràng buộc đối với các DN lớn khi đầu tư vào thành phố, như yêu cầu về chuyển giao công nghệ, hoặc cho các DN công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các DN.

“Trong quá trình quy hoạch công nghiệp, các địa phương có những định hướng về phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, các cụm liên kết ngành hoặc cụm công nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Do đó trong các quy định của Bộ Công Thương đang tham mưu ban hành, có thể bổ sung một số cơ chế chính sách ưu tiên cho các cụm liên kết ngành. Đồng thời có thêm một số chính sách về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ”, ông Bảo đề xuất.

Ông Dương Minh Hải, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghiệp KIMSEN (Bắc Ninh) hy vọng rằng, trong tương lai có nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ DN về kết nối với các khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế. Bộ Công Thương cần có thêm những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến công nghệ sản xuất phục vụ cho công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-2-1724978881.jpg
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển.(Ảnh minh họa)

Chia sẻ khó khăn của DN công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu thực tế, các DN công nghiệp hỗ trợ gần như không có kế hoạch sản xuất, chủ yếu phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy, tài sản của DN công nghiệp hỗ trợ không lớn, dẫn đến khi DN có nhu cầu vay vốn rất vất vả bởi không có tài sản, không có kế hoạch sản xuất kinh, khiến các ngân hàng khó đáp ứng nhu cầu tín dụng của DN.

Do đó, với vai trò là cơ quan tham mưu để ban hành những chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã đưa ra những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, đến xây dựng các cụm liên kết ngành; cũng như các chính sách để hỗ trợ DN như vấn đề tín dụng.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các DN. Cùng với đó là xây dựng các cơ chế, làm sao trong quá trình thu hút đầu tư phải có những ràng buộc với các DN FDI trong công tác phát triển tỉ lệ nội địa hóa”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngoài sự định hướng, đồng hành từ Trung ương, vai trò hỗ trợ sát cánh cùng DN từ phía các địa phương là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để DN không bỏ lỡ “thời cơ vàng” gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

Bình Châu