Thanh Hóa:

Doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn thiếu hụt nguyên liệu

Diện tích sản xuất bị thu hẹp, cộng với bệnh khảm lá sắn phát triển trên diện rộng dẫn đến năng suất không cao, khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến sắn thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
san-1705556743.jpg
Doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu.

Những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dẫn đến năng suất và chất lượng giảm sâu, giá thu mua thấp nên hiệu quả thu được từ trồng sắn không cao. Do vậy, nhiều hộ dân đã không còn “mặm mà”, dẫn đến diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, niên vụ sắn 2023 - 2024, toàn tỉnh trồng được trên 10.700 ha sắn, giảm khoảng 2.000 ha so với niên vụ trước. Bình quân đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha. Như vậy, mỗi năm sản lượng sắn khoảng 180.000 đến 200.000 tấn. Trong khi nhu cầu sản lượng cần khoảng trên 400.000 tấn/năm. Vì vậy, trong vụ sắn năm nay, các vùng nguyên liệu sắn trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chế biến của các nhà máy.

Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, dẫn đến các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do phải hoạt động cầm chừng. Thậm chí một số nhà máy phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Ông Lê Ích Cảnh, chủ cơ sở sản xuất tinh bột xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay cơ sở chế biến của tôi thiếu hụt rất nhiều nguyên liệu. Nguyên nhân là do diện tích trồng sắn trên địa bàn bị thu hẹp, giá thu mua lại cao, trong khi thị trường tiêu thụ tinh bột bấp bênh nên rất khó khăn”.

kham-la-1705556823.jpeg
Bệnh bệnh khảm lá sắn xuất hiện nhiều, dẫn đến năng xuất và chất lượng tinh bột không cao.

Để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở chế biến tinh bột phải nhập sắn từ các tỉnh thành khác. Ngoài ra, để có vùng nguyên liệu bền vững, một số cơ sở đã liên hệ, đưa cây giống từ vùng cao, nơi chưa có sâu bệnh xuống cho bà con. Tuy nhiên, chất lượng vẫn không được cải thiện do kỹ thuật với công chăm sóc chưa đảm bảo.

Ông Hà Ngọc Sơn, chủ cơ sở chế biến tinh bột dong và bột sắn Sơn Dung ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) chia sẻ: “Từ 2 năm trở lại đây, tôi đã phải lên tận huyện Mường Lát để lấy cây sắn giống chưa mắc bệnh khảm lá xuống cho bà con ở xã Kiên Thọ và các xã lân cận trồng. Tuy nhiên do lực lượng lao động chính trên địa bàn chủ yếu đi làm tại các công ty, do vậy cây sắn chưa thực sự được quan tâm, chăm sóc dẫn đến sản lượng vẫn chưa đạt yêu cầu”.

Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất, những doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn cũng gặp không ít khó khăn về nguồn ra cho sản phẩm. Trước đây, tinh bột sắn chủ yếu nhập sang Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ sau đợt dịch Covid, lượng tinh bột xuất khẩu cũng bị giảm mạnh.

Để khắc phục những khó khăn trên, giúp bà con yên tâm sản xuất, những vùng nguyên liệu sắn lớn của tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, khống chế bệnh khảm lá sắn. Bên cạnh đó, giá thu mua bắt đầu tăng cao, đây được xem là tín hiệu mừng cho các địa phương duy trì và tăng diện tích trồng sắn, qua đó tạo nên vùng sản xuất, liên kết nguyên liệu bền vững./.

Hà Khải