Thanh Hóa là tỉnh có vùng nguyên liệu tre luông dồi dào, với hơn 70.000 ha tre, luồng tại các huyện miền núi. Theo đại diện các doanh nghiệp chế biến lâm sản và chính quyền địa phương cho biết, thời gian gần đây, do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác luồng của người dân. Ngoài ra, nhiều diện tích tre, luồng, vầu đang bước vào thời kỳ sinh măng nên phải hạn chế khai thác.
Không chỉ có vậy, tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu tre luồng đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều hộ dân mặc dù đã ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nhưng vẫn tự ý bán cho cơ sở khác để khi được trả giá cao hơn. Điều này khiến cho tình trạng thiếu nguyên liệu càng trở nên trầm trọng hơn, một số doanh nghiệp do không đủ nguyên liệu đã phải cắt giảm công suất, duy trì sản xuất cầm chừng.
Ghi nhận tại Công ty TNHH Tân Thái Thanh, xã Ban Công, huyện Bá Thước, đây được xem là vùng nguyên liệu tre luồng lớn của tỉnh Thanh Hóa. Hàng năm công ty cần có khoảng 350 đến 400 tấn luồng để sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời điểm này, lượng nguyên liệu mà công ty có thể thu mua chỉ đáp ứng được khoảng 60% nguyên liệu cho hoạt động chế biến của nhà máy. Không chỉ vậy, gần đây, một số hộ trồng luồng đã nâng giá bán làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của nhà máy.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng các cơ sở chế biến lâm sản nói chung, chế biến tre luồng nói riêng lâm vào khó khăn do thiếu nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng trên, trước hết các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với từng thời điểm trong năm. Đồng thời, cần rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu; chú trọng xây dựng, củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có trên 20 doanh nghiệp chế biến lâm sản từ tre, luồng để sản xuất giấy, bột giấy và vàng mã. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn tỉnh lâm vào khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết và mùa vụ, thì những bất cập trong quy hoạch vùng nguyên liệu và mối liên kết lỏng lẻo giữa người trồng nguyên liệu với nhà máy chế biến cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trước đó, để tìm đầu ra cho sản phẩm tre luồng, cũng như gỡ rối cho các doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Hiệp hội Tre luồng vào tháng 7 năm 2019 để tập hợp, kết nối, chia sẻ nguồn lực, thông tin thị trường giữa các thành phần trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, Hiệp hội Tre luồng của tỉnh hoạt động không hiệu quả, như thiếu các hoạt động triển khai, thông tin thị trường không được chia sẻ giữa các doanh nghiệp, không có định hướng phát triển sản phẩm và thị trường mục tiêu. Các hộ dân trồng tre phụ thuộc thông tin từ các thương lái và yếu thế trong việc xác định giá bán luồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến tre do thiếu nhân lực và tài chính, nên hoạt động nghiên cứu thị trường không được thực hiện, thiếu liên kết với các tổ chức nghiên cứu thị trường để đánh giá dữ liệu về khách hàng, không triển khai các hoạt động marketing như thiếu website, không tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm cấp tỉnh và quốc gia.