Doanh nghiệp cần làm gì để “không bị bỏ lại” trong cuộc đua xanh?

Đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công không chỉ nằm ở các con số tài chính.
image001-1663732689264-1692776765.jpg
Doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Ảnh minh họa

Trong những thập niên gần đây, từ mô hình tăng trưởng xanh, các quốc gia theo đuổi việc xây dựng nền kinh tế xanh, bao gồm trong đó là nhiều lĩnh vực như sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, nông nghiệp xanh, năng lượng xanh,v.v. Cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí nó còn là một cuộc chạy đua giữa các quốc gia với nhau.

Tại Trung Đông, hàng trăm tỷ USD đã được đổ vào nền kinh tế để tránh sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng hóa thạch và đem lại các cơ hội phát triển mới cho các quốc gia Vùng Vịnh. Đi xe điện và sử dụng năng lượng mặt trời tại những mảnh đất vẫn được xem như là giếng dầu của thế giới ở Vùng Vịnh không còn là thực tế gì quá xa với mà thực sự đang trở thành một xu thế.

Tại Mỹ, chính phủ và các công ty Mỹ đã có rất nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, trong đó có việc hình thành các sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ở cấp độ khu vực, New York cùng 11 bang khác ở bờ Đông đang cùng tham gia Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực (RGGI). Sáng kiến RGGI ra đời năm 2008 hướng tới giảm khí thải tại các nhà máy điện. Kết quả sau 15 năm, chương trình đã giảm được 50% lượng khí thải trong khu vực. Số tiền thu về từ việc đấu giá khoảng 6 tỷ USD.

Còn Châu Âu, dường như khu vực này đã có lựa chọn cho riêng mình đó là một nền kinh tế dựa trên khí hydro hóa lỏng, một dạng năng lượng tuy chưa phổ biến, nhưng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Hydro nổi lên như một giải pháp lý tưởng, không lệ thuộc nhập khẩu, không tạo ra khí thải có thể dùng cho mọi loại động cơ, kể cả động cơ máy bay.

Không chỉ trong lĩnh vực “chuyển đổi năng lượng xanh”, thế giới đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh, một “cuộc đua xanh” đang diễn ra tuy thầm lặng nhưng cũng rất khốc liệt ở nhiều lĩnh vực khác. Trong cuộc đua đó, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, khu vực và cả quốc gia.

Đứng trước cuộc đua xanh trên quy mô toàn cầu đó, Việt Nam – một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và hạn chế về nguồn lực, cần làm gì để “không bị bỏ lại phía sau” trong cuộc đua xanh?.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam Nguyễn Quang Vinh, cần có những chuyển đổi về tư duy, song song đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kép: chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.

Chủ đề cuộc đua tranh toàn cầu đã nói lên xu thế xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và xanh hóa toàn bộ hệ thống trong chuỗi cung ứng, trong hệ thống sản xuất. Và đây còn có ngụ ý nữa là xanh hóa môi trường kinh doanh, ở đây thể hiện bằng những chính sách đòi hỏi những sự chuyển đổi tư duy là một dòng chảy chính của thời đại, các doanh nghiệp phải đi, phải thực hành nếu muốn tồn tại và phát triển một cách bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Đông Nghi