Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: Là một nền kinh tế có độ mở lớn với 16 Hiệp định Thương mại FTA kết nối với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, có thị trường gần 100 triệu người, lực lượng lao động trẻ, năng động, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, hạ tầng, vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định, với tinh thần quyết tâm sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững.
Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050", chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững...
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh trong nước và quốc tế được thuận lợi, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, quy định về các sản phẩm tài chính xanh như: trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như các chính sách ưu đãi đối với tài chính xanh. Đặc biệt, trong đó có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh như được hưởng ưu đãi giảm về giá dịch vụ chứng khoán.
Thông tin với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tại hội nghị, Bộ trưởng cũng cho biết, tháng 11/2021, tất cả 197 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đạt được thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26) thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow.
Theo đó, Việt Nam mặc dù là quốc gia đang phát triển, cần rất nhiều nguồn lực với chi phí thấp để đáp ứng ngay các nhu cầu phát triển, nhưng vẫn cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. "Điều này cho thấy trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam vào phát triển xanh" - Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cam kết tại COP26 của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu về tài chính xanh tăng lên, là cơ hội lớn để phát triển thị trường tài chính xanh để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh. Việt Nam cũng như các nước khác cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo COP26, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
"Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững TTCK Việt Nam. Các sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để thực hiện hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Hội nghị là đối thoại thực chất, giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Luxembourg hiểu rõ hơn về Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương, quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Luxembourg vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Sau hội nghị này, doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg.
"Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác Bộ Tài chính đã thăm, làm việc tại Sở GDCK Luxembourg.
Tại buổi làm việc, bà Julie Becker Tổng Giám đốc Sở GDCK Luxembourg đánh giá cao và chúc mừng những kết quả phát triển khá ấn tượng của TTCK Việt Nam. Tổng giám đốc Sở GDCK Luxembourg cũng thông tin tới Bộ trưởng Tài chính Việt Nam về mối quan hệ chặt chẽ và những hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả giữa Sở GDCK Luxembourg với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam thời gian qua.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giới thiệu với các đối tác về tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK Việt Nam và thông tin về định hướng phát triển TTCK ở Việt Nam. Theo đó, ngoài những mục tiêu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và bảo vệ tốt nhất quyền lợi các nhà đầu tư tham gia trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đang tích cực triển khai theo định hướng phát triển tài chính xanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến phát hành trái phiếu xanh. Trong năm 2021 – 2022, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ, tổng giá trị đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021. Ngoài ra, Việt Nam có Chỉ số phát triển bền vững (VNIS) chính thức được vận hành từ năm 2017. Hiện nay, chỉ số này bao gồm 20 doanh nghiệp có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
Trong khi đó, hiện nay, theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng HSBC, Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.
"Một trong những nguyên nhân là chưa có động lực thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung và cầu đối với thị trường tài chính xanh. Về cầu trên thị trường, cần nhiều hơn nữa các tổ chức tài chính chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn tham gia thị trường đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh, song song cần có các dự án xanh chất lượng với các tổ chức phát hành uy tín để tạo nguồn cung cho thị trường. Mặt khác, phải có một cách thức như sàn giao dịch để bên cung và bên cầu gặp nhau, tạo tính thanh khoản, hiệu quả cho thị trường tài chính xanh. Cần hiện đại hóa hơn nữa hệ thống giao dịch hỗ trợ nhiều phương thức và hình thức giao dịch, hiện đại hóa cơ chế giao dịch và từng bước triển khai, áp dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế" – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích.
Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và các cơ quan quản lý, vận hành TTCK nói riêng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đề xuất một số vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, đề nghị hai Sở phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hàng năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác với Luxembourg để phát triển TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi. Bộ trưởng đề xuất Luxembourg hỗ trợ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, công nghệ chuyển đổi số, vận hành TTCK công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Việt Nam cũng đang thúc đẩy các thực hành về Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trên TTCK cũng như tích cực thúc đẩy phát triển tài chính xanh thông qua các hướng dẫn và chính sách tạo điều kiện huy động vốn xanh trên TTCK, chúng tôi mong muốn Sở GDCK Luxembourg có thể hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư xanh của Luxembourg, của châu Âu nhằm đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án xanh, dự án thân thiện với môi trường của Việt Nam đang có nhu cầu về vốn" – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng đã có một số trao đổi cụ thể hơn về các vấn đề hợp tác, cũng như kinh nghiệm, cách thức quản lý, vận hành từ Sở GDCK Luxembourg.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và bà Julie Becker đều đồng thuận và khẳng định sẽ tiếp tục kết nối, tăng cường hợp tác mang tính chiều sâu để sự hỗ trợ từ Luxembourg mang lại hiệu quả cao hơn nữa, đặc biệt là các vấn đề quản lý, giám sát TTCK, trao đổi, chia sẻ về ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực…