Trong quá trình di dân lập nghiệp, những người lưu dân đã mang theo những nét đặc trưng văn hoá riêng, trong đó những người con Lê Tộc đến từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hiện đang sinh sống trên địa bàn các huyện Đức Linh và Tánh Linh là những điển hình của người dân tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Đức Linh và Tánh Linh là 2 huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, cùng với các người dân tộc thiểu số (K’ho, Châu Ro) sinh sống lâu đời tại địa phương, còn có đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số khác như: Khơ me, Chăm, Mường, Nùng, Rục, Sán chỉ, Sán dìu, Tày, Thái, Thổ, Hoa…đến từ các tỉnh thành khác. Trước năm 1975, đa phần là người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, một số ít từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sau năm 1975, theo yêu cầu phát triển đất nước, người dân từ nhiều tỉnh từ miền Trung, miền Bắc đã đến xây dựng vùng kinh tế mới, làm ăn sinh sống. Dù đến từ đâu, mọi người đều đoàn kết, chung sức, chung lòng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, làm cho quê hương Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận) ngày càng văn minh, giàu đẹp, khẳng định truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ông Lê Quang - Trưởng Ban liên lạc họ Lê tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Bà con họ Lê hiện đang sinh sống trên địa bàn các huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) có nguyên quán từ các huyện: Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Trong đó một số bà con họ Lê gốc Quảng Nam di cư vào Bình Thuận tháng 10/1959, số còn lại di cư vào Bình Thuận tháng 2/1960”.
“Cùng với đó là số bà con họ Lê gốc Quảng Ngãi cũng di cư vào Bình Thuận tháng 10/1959 đã gắn liền với lịch sử di dân, khai phá đất đai, hình thành làng xóm tạo nên nét nét đặc sắc về văn hóa lịch sử, kiến trúc của vùng đất ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh”, ông Lê Quang, cho biết thêm.
Sau khi ổn định cuộc sống tại vùng đất mới trên địa bàn huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận), đến năm 1962 thì tổ chức sinh hoạt nhóm tộc họ Lê theo từng huyện đến năm 2010. Năm 2011 tiến hành xây dựng nhà thờ họ Lê từ nguồn kinh phí đóng góp của con em họ Lê với các suất đinh được tính là nam giới.
Với truyền thống tương thân tương ái, bà con họ Lê đã huy động sự đóng góp của các hộ gia đình trong dòng họ để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo sản xuất vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, các trưởng tộc họ Lê trên địa bàn Đức Linh và Tánh Linh còn vận động các thành viên trong dòng họ giúp đỡ ngày công lao động để sửa chữa nhà ở cho các hộ khó khăn, từ đó đã góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” những năm qua, bà con họ Lê ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh đã phối hợp với chính quyền địa phương và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và Công an huyện đã triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn xây dựng mô hình “Dòng họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”. Đến nay, các mô hình đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực khẳng định được uy tín của con em họ Lê trên địa bàn với chính quyền địa phương.
Với sự sát sao, xuyên suốt của của các trưởng tộc họ Lê trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, 4 nội dung trong quy ước thi đua đã được triển khai và thực hiện đến từng hộ gia đình là con em họ Lê trên địa bàn, bao gồm: Đoàn kết trong dòng họ Lê giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Đoàn kết trong gia đình, thôn xóm giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá; Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; Giáo dục và quản lý con em không tham gia các tệ nạn xã hội và vi phạm an ninh, trật tự, mô hình xây dựng dòng họ tiên tiến đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và ngành công an các cấp triển khai thực hiện đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình trong dòng họ Lê, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 huyện, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn các khu dân cư.
Ông Lê Văn Năm - Phó Trưởng Ban liên lạc họ Lê tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Việc đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa đưa vào quy chế của dòng họ Lê trên địa bàn 2 huyện đã vận động 100% các hộ gia đình trong dòng họ Lê đăng ký; trong quá trình thực hiện, cuối năm được đưa ra trong cuộc họp của các tộc họ Lê của các thôn, xã đánh giá để bình xét và đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; qua đó, làm cơ sở cho hội nghị tổng kết của dòng họ, lựa chọn hộ gia đình tiêu biểu để biểu dương trong dòng họ Lê, đồng thời góp ý, làm tấm gương cho các gia đình chưa đạt gia đình văn hóa tiếp tục phấn đấu”.
Sau nhiều năm làm ăn, sinh sống trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh. Bà con họ Lê nơi đây đã xây dựng được Quy ước sinh hoạt của dòng họ Lê, bao gồm:
1. Cùng nhau đóng góp kinh phí để xây dựng nhà thờ họ Lê nhằm thờ cúng tổ tiên và quy tụ con cháu về sinh hoạt.
2. Giáo dục con cháu biết về cội nguồn tổ tiên, gia tộc họ Lê.
3. Hàng năm đến ngày giỗ hiệp kỵ trừ những trường hợp đi làm ăn và học tập ở xa không về được, còn lại đều tập trung về nhà thờ Lê tộc để thắp nhang, cúng tế và sinh hoạt để con cháu hiểu rõ hơn về cội nguồn dòng họ Lê.
3. Xây dựng, quỹ khuyến học, khuyến tài, kịp thời động viên, khen thưởng nhằm tiếp sức, động viện kịp thời con cháu họ Lê viết ước mơ cùng con chữ, hướng đến tương lai là người có ích cho gia đình, xã hội, đặc biệt đối với Lê tộc.
4. Hàng năm tổ chức thăm hỏi sức khoẻ các Cụ cao niên, các đám ma chay, hiếu hỷ. Tập trung lo tang lễ cho những người quá cố.
5. Luôn thể hiện tinh thần đoàn kết với các dòng họ khác trên địa bàn để học hỏi, giao lưu những điều hay, lẽ phải.
6. Luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương nhằm cùng nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Lê Duy Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam phụ trách các Tỉnh - Thành phố phía Nam, cho biết: “Thực hiện nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Hội đồng họ Lê Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023, việc xây dựng và phát triển của Ban liên lạc họ Lê tỉnh Bình Thuận luôn là điểm sáng của Hội đồng họ Lê khu vực phía Nam và cả nước”.
Với những kết quả tích cực trong việc kết nối và hoạt động của bà con họ Lê trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh trong nhiều năm qua không chỉ là cơ sở cho việc xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn mà còn là tiền đề rất quan trọng cho việc xây dựng và phát triển Ban liên lạc họ Lê tỉnh Bình Thuận thành Hội đồng họ Lê tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.