Điện Biên tham gia Diễn đàn kinh tế "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo"

Sáng 5/10, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022. Tham dự diễn đàn có đồng chí Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cùng lãnh đạo một số địa phương. Về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự.
dbjf-1665313432.jpg
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tham luận

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động triển khai Quyết định số 1162/QĐ-TTg về phát triển thương mại miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Với hai phiên thảo luận chuyên sâu về bài học từ thực tiễn và vai trò hỗ trợ của chính sách, diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương ở Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, thời gian qua, chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Diễn đàn kinh tế kết nối hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo được tổ chức sẽ góp phần vào việc tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn lực duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Điện Biên với người tiêu dùng, tạo sự phát triển bền vững, ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, định hướng xuất khẩu trong thời gian tới.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang tập trung chỉ đạo sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu gạo Điện Biên theo hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ sạch, có chất lượng cao; phát triển các sản phẩm chè, cà phê theo hướng tập trung thâm canh mở rộng diện tích, liên kết với các HTX, các doanh nghiệp; tập trung phát triển cây Mắc ca trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh trồng được khoảng 40.000 ha.

Mục tiêu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 -100 ngàn ha trồng tập trung, trong đó có khoảng 30.000 ha cho thu hoạch quả ổn định, đưa Điện Biên trở thành thủ phủ Mắc ca của cả nước. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất nội tại còn hạn chế cùng với điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn nên việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn có kết quả rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn.

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn mong muốn Bộ Công thương, các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản và hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên vào tiêu thụ ổn định trên thị trường; thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông, lâm sản của tỉnh Điện Biên góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Điện Biên trở thành các sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước; hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế cho cán bộ công chức, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời trân trọng đề nghị các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng, nhà phân phối trong và ngoài nước đến Điện Biên để tìm hiểu, hợp tác khai thác những tiềm năng về sản xuất, chế biến và tiêu thụ những sản phẩm đặc sản của tỉnh Điện Biên để nâng cao chuỗi giá trị, làm ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ở trong và ngoài nước nhất là các sản phẩm Chè tuyết shan cổ thụ, cà phê Arabica, gạo đặc sản, dược liệu và sản phẩm hạt Mắc ca…/.

Nguyễn Dịu