Đèo Cả: Nợ vay hơn 20.000 tỷ có gây áp lực lớn tới dòng tiền?

Lãnh đạo Đèo Cả khẳng định, tổng nợ phải trả 27.000 tỷ đồng không gây áp lực lớn tới dòng tiền, các khoản vay đều phục vụ việc đầu tư thi công loạt dự án hạ tầng lớn đã, đang và sắp triển khai.
hhv-1698896966.jpg
Lãnh đạo Đèo Cả chia sẻ với giới đầu tư

Thông tin được lãnh đạo CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) chia sẻ tại chương trình “Kết nối đầu tư – Vươn tầm quốc tế” tổ chức ngày 1/11 với sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thông tin về hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho biết, doanh thu hợp nhất quý 3/2023 đạt 674 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu xây lắp tăng 115 tỷ đồng so với cùng kỳ, tăng trưởng 74%, đóng góp phần lớn vào cơ cấu doanh thu quý 3.

Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 117 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của HHV đạt 1.825 tỷ đồng, tăng 23,5%, đạt 74% kế hoạch của năm 2023.

Ông Huy cho biết, năm 2023, HHV dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế khoảng 385 tỷ, vượt kế hoạch đề ra là 339 tỷ. Trong đó, doanh thu từ thu phí BOT dự kiến đóng góp hơn 1.500 tỷ; xây lắp góp 875 tỷ và doanh thu khác góp 75 tỷ.

hhv-1698897008.jpg
Công ty dự kiến vượt kế hoạch kinh doanh 2023

Đến cuối quý 3/2023, tổng tài sản công ty là 36.500 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm 2023. Trong cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 8.680 tỷ đồng, chiếm 24%; nợ phải trả là 27.800 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản. Trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính chiếm 56% tổng nguồn vốn (20.300 tỷ đồng), đây là các khoản vay dài hạn tài trợ cho dự án BOT được đảm bảo nguồn trả nợ từ doanh thu thu phí ổn định.

Trước thắc mắc của nhà đầu tư về nợ vay hơn 20.000 tỷ có gây áp lực lớn lên dòng tiền, lãnh đạo Đèo Cả khẳng định, tỷ lệ vay/ vốn chủ sở hữu cao không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông.

“Đặc thù của Đèo Cả là đầu tư các công trình công với tổng mức đầu tư rất lớn, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công thường chỉ 10 – 15%, trong khi VCSH/tổng tài sản của HHV là 24%. Bên cạnh đó, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT, các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện trên cơ sở doanh thu thực tế, do đó, điều này không ảnh hưởng đến dòng tiền của HHV”, lãnh đạo công ty cho biết.

Thông tin về hoạt động đầu tư, công ty cho biết đã và đang tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Giai đoạn 2023 - 2025, HHV tiếp tục đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (ở Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, dự kiến khởi công trong tháng 12/2023.

Đối với hoạt động thi công xây lắp, công ty đang tổ chức thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đường ven biển Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn với tổng giá trị hợp đồng liên danh gần 20.000 tỷ đồng.

Đối với hoạt động quản lý vận hành, hiện HHV đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên cho hơn 300km đường cao tốc và quốc lộ, 25km hầm đường bộ và đang quản lý 15 trạm thu phí BOT trên cả nước. Thời gian tới HHV sẽ là đơn vị quản lý vận hành hơn 550km đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Công ty cho biết đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao, metro line,... mà Chính phủ đang định hướng triển khai. Thời gian qua, công ty đã tiếp nhận, chủ động liên hệ với các đối tác nước ngoài có sở trường, kinh nghiệm về phát triển đường sắt. HHV cho biết sẽ tham gia mức độ nhiều nhất có thể từ nhà đầu tư, xây lắp đến vận hành.

Theo đó, trong giai đoạn 2024 – 2025, HHV đặt kế hoạch doanh thu lần lượt 2.915 tỷ đồng và 3.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 448 tỷ đồng và 532 tỷ đồng, biên lợi nhuận giai đoạn 2023 - 2025 ổn định ở mức 14 - 18%. Trong đó doanh thu từ thu phí BOT góp 60% và xây lắp 40%.

Lãnh đạo Đèo Cả cho biết, cơ sở cho việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh doanh như trên đến từ dự báo tăng trưởng lưu lượng lưu thông ở các công trình đang khai thác. Công ty đã được chấp thuận tăng phí BOT 18% từ năm 2024 tại các trạm chính như Cù Mông, Hải Vân. Đặc biệt với các dự án đầu tư công, năm đầu tiên mới thực hiện 10-15% kế hoạch dự án, năm thứ 2 và 3 là các năm bản lề ghi nhận doanh thu ở dự án, hoàn toàn có cơ sở mảng này tăng trưởng trên 35%…

Huyền Châm