Truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, minh bạch quản lý tàu cá
Thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU và khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, Cục Thủy sản (Bộ NNN&PTNT) đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn trực tuyến và trực tiếp nhằm triển khai “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử”. Minh bạch thông tin quản lý tàu cá qua hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản được xem là một trong những giải pháp then chốt gỡ thẻ vàng EC hiện nay.
Theo Cục Thủy sản, thời gian từ nay đến thời điểm đón đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không tuân thủ quy định (gọi tắt là IUU) không còn nhiều. Vì vậy, yêu cầu Chi cục Thủy sản, cảng cá các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, triển khai giải pháp một cách đồng bộ để thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu EC.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, một trong những khuyến nghị quan trọng của EC là minh bạch trong quản lý tàu cá và kiểm soát sản lượng thủy sản lên bến. Thời gian qua, Cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử”. Đây là công cụ quan trọng, tạo điều kiện cho tàu cá xuất nhập cảng nhanh chóng, doanh nghiệp xác nhận sản lượng một cách dễ dàng, giúp minh bạch nguồn gốc thủy sản.
Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Đối với phần mềm này thì thời gian qua, sau đoàn kiểm tra cuối năm 2023 của EC, ngay từ tháng 1/2024 chúng tôi đã có văn bản để hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai phần. Chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn tất cả các địa phương. Trong đó có các thành phần từ cảng cá, đại diện của ngư dân, các Chi cục và đại diện của các nhà máy thu mua nguyên liệu chế biến. Chúng tôi mong rằng với nỗ lực của Trung ương thì các địa phương, các đơn vị có liên quan sẽ chung tay để cho phần mềm của chúng ta được triển khai một cách tốt nhất".
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản hiện nay là yêu cầu bắt buộc theo nhu cầu của thị trường. Không những các thị trường xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng cần sự minh bạch hóa thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc.
Theo quy định tại Thông tư số Thông tư 21/2018/BNNPTNT đã bổ sung quy định về Nhật ký khai thác thủy sản bản điện tử. Theo đó, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác điện tử theo đúng mẫu quy định được sử dụng làm căn cứ để xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Đây được xem là xu thế về chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản hiện nay.
Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử đã được Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư từ năm 2017. Phần mềm được giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thông tin, đơn vị quản lý nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân.
Theo Trung tâm Thông tin Thủy sản (Cục Thủy sản), đây là phần mềm lần đầu tiên được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản.
Minh bạch thông tin tạo thuận lợi xuất khẩu thủy sản
Việc minh bạch hóa thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không những nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu mà còn là điều cần thiết đối với người tiêu dùng trong nước. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe, họ cần được biết sản phẩm mà mình đang sử dụng xuất phát từ đâu, được cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ ra sao.
Việc truy xuất dễ dàng nguồn gốc thủy sản giúp doanh nghiệp quản lý có hiệu quả về các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP nêu thực tế: Thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu gặp không ít khó khăn trong khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản. Nhiều lô hàng xuất khẩu bị chậm trễ do thiếu minh bạch trong thông tin lô hàng. Vì vậy, việc hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử được triển khai sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Nam: “Việc chúng ta làm thủ công khi chưa có phần mềm cũng đã có một số bất cập và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cố gắng chúng đẩy nhanh hơn việc này. Và đẩy mạnh phần mềm và truy xuất nguồn gốc điện tử giúp cho quy trình làm giấy tờ để xác minh khách quan, đầy đủ nhất của lô hàng được nhanh.
Rất mừng là Cục Thủy sản đã triển khai được hệ thống này và hiện nay thì các sở cũng đã có việc hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp để đăng ký để được cấp mã. Đây chính là cái mà chúng tôi mong đợi và chắc chắn là chúng tôi đang có kế hoạch sẽ phối hợp với Cục Thủy sản để mà nâng cao thêm cái hiệu quả áp dụng".
Ngoài vấn đề minh bạch thông tin nguồn gốc hải sản, Cục Thủy sản khuyến nghị các địa phương cần nhanh chóng rà soát thông tin quản lý tàu cá, nhất là các tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, hồ sơ chưa đầy đủ để cập nhật thông tin lên hệ thống Vnfishbase. Đồng thời đẩy mạnh giám sát tàu cá, đặc biệt là tàu có chiều dài trên 15m mất kết nối giám sát hành trình để có giải pháp quản lý hiệu quả.
Việc triển khai “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác điện tử” là rất cần thiết và bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, yêu cầu của Ủy ban châu âu trong việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" không phải chỉ để đối phó với EC mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam đối với các cam kết, điều ước quốc tế trong việc bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.