Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 51,38%). Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả ngân sách trung ương và địa phương) theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng, miền.
Tham gia thảo luận tại phiên họp toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, đại biểu Triệu Quang Huy, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thống nhất nhiều nội dung đánh giá về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án có vai trò quan trọng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới. Để thực hiện được nội dung này, đại biểu đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phải làm rõ sự phù hợp của danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo phù hợp đối với các quy hoạch có ảnh hưởng đến việc triển khai; lưu ý vấn đề về giải phóng mặt bằng của dự án. Quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án.
Thứ hai, nghiên cứu, bố trí kinh phí và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư ngân sách. Để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của năm tiếp theo, cần chủ động triển khai các công việc ngay từ đầu năm.
Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, đầu tư công ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều thành quả rất tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tổng vốn đầu tư tăng lên và được phân bổ khá tập trung vào các công trình trọng điểm, nhờ đó mà rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, sớm hoàn thành. Nổi bật nhất là các công trình đường cao tốc. Vào đầu nhiệm kỳ chúng ta chỉ có khoảng 1.000 km, hiện đã có trên 2.000 km và hướng đến mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Điều này thể hiện rất rõ những thành quả tập trung của đầu tư công, hướng tới tạo đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố con người - khâu đột phá có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công thì dường như chưa được quan tâm đúng mức. Minh chứng là việc đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực, đầu tư cho y tế để đảm bảo sinh lực còn rất mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Ít nhất phải phân bổ đủ vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu và sau khi đầu tư xong sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp này thực hiện tự chủ. Đại biểu nhấn mạnh, nếu chúng ta đảm bảo được mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển đất nước bền vững.
Thống nhất với quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường về vấn đề đầu tư công, đại biểu Lê Quân, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ rõ, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để các đơn vị có thể tự chủ cao. Vấn đề này sẽ giúp các trường đại học được chủ động rất nhiều trong việc khai thác hiệu quả tài chính theo quy chế, có kiểm toán đầy đủ; mang lại các nguồn thu để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. Bởi về cơ bản, các nguồn thu ngoài học phí và ngoài ngân sách sẽ chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của các trường đại học. Nếu chúng ta phát triển các nguồn lực này thì sẽ giảm được gánh nặng cho vấn đề học phí và chi ngân sách.
Đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa
Nhìn vấn đề với góc độ nghiên cứu, ThS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, cơ cấu lại đầu tư công là chủ trương lớn của của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua. Cụ thể hóa chủ trương đó, giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát "Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025".
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Văn Tùng cũng nhận định, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện đầu tư công giai đoạn vừa qua vẫn còn những hạn chế tác động đến tăng trưởng kinh tế như: Thể chế, chính sách liên quan trực tiếp đến việc hình thành và triển khai dự án đầu tư công còn bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thực hiện trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kiến trúc... mỗi giai đoạn có những vướng mắc khác nhau. Trong khi đó, việc thực hiện phải được tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, do đó dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ tổng thể của dự án.
Mặt khác, theo khung đánh giá thể chế đầu tư công của IMF (PIMA), chất lượng thể chế đầu tư công các các quốc gia được đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí (Mức độ bền vững của kế hoạch đầu tư công; Bảo đảm đầu tư công được phân bổ vào đúng ngành và dự án; và Cung cấp tài sản công bền vững và hiệu quả) với 15 chỉ tiêu. Điểm đánh giá giá trung bình các tiêu chí của Việt Nam chỉ đạt 0,7 điểm (thang điểm từ 0-2), ở mức thấp so với các nước đang phát triển. Các chỉ tiêu có mức điểm thấp là chỉ tiêu về thẩm định dự án, lựa chọn dự án, tính thống nhất và toàn diện của ngân sách và giám sát tài sản thành công.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ThS. Nguyễn Văn Tùng đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng thể chế quản lý đầu tư công: Sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, bảo đảm quản lý thống nhất; Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với nguồn lực và khả năng thực hiện của dự án; áp dụng quy tắc hậu kiểm đối với kế hoạch đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm tính tuân thủ các quy định và hiệu quả đầu tư công.
Hai là, đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là vốn mồi để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cần phát huy vai trò của đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức PPP. Theo đó, xây dựng các chính sách tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP. Tổ chức thực hiện thực chất và hiệu quả các hình thức đầu tư PPP trong đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm, kết nối các vùng kinh tế, đô thị lớn...
Từ kinh nghiệm quốc tế về quản lý đầu tư công theo tiêu chuẩn xanh của một số quốc gia trên thế giới, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng một khung pháp lý riêng biệt và nhất quán cho quản lý cơ sở hạ tầng xanh từ những nỗ lực cải thiện quản lý đầu tư công. Theo đó, các dự án về hạ tầng thuộc doanh nghiệp nhà nước và thoả thuận hợp tác công tư PPP nên được tích hợp vào các khung pháp lý và cơ chế hành chính.
Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo vệ môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia coi việc lập ngân sách vốn này là một hoạt động thường niên. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có giải pháp để giúp địa phương tăng cường khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính. Các Bộ, ngành liên quan cũng xem xét đến vấn đề tái phân bổ ngân sách, trái phiếu xanh, để hỗ trợ các dự án địa phương, nhất là các dự án về môi trường và chống biến đổi khí hậu
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công./.