Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 5/11, Quốc hội xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Nhiều ý kiến góp ý xoay quanh vấn đề tăng cường trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản
Trình bày tóm tắt Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (Điều 8), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản.
Đối với nội dung này, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo Phương án 1 như dự thảo Luật (Chính phủ đề nghị bổ sung). Ưu điểm là tạo căn cứ pháp lý để bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Nhược điểm là quy định này chuyển từ trách nhiệm hỗ trợ với mức hỗ trợ mang tính chất tự nguyện của Luật Khoáng sản hiện hành thành trách nhiệm hỗ trợ mang tính bắt buộc là chính sách mới chưa có đánh giá tác động; không quy định nguyên tắc về mức thu dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.
Việc cho phép "phần kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất" dẫn đến chưa thống nhất với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trái với nguyên tắc chi phí được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện nộp các nghĩa vụ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước. Nhà nước điều tiết, phân bổ ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để duy tu, nâng cấp hạ tầng, bảo vệ môi trường (nếu chưa phù hợp thì cần điều chỉnh tăng các khoản thu này).
Do vậy, việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hỗ trợ mang tính chất bắt buộc là không công bằng đối với các lĩnh vực kinh tế khác và tạo gánh nặng chi phí cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Loại ý kiến thứ hai: Giữ như quy định của Luật Khoáng sản hiện hành theo Phương án 2 tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật. Ưu điểm là không phát sinh chính sách mới. Bảo đảm bản chất của việc hỗ trợ kinh phí (cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nhưng tự nguyện về mức hỗ trợ).
Nhược điểm là theo phương án này dễ dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tùy ý trong việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ (không bắt buộc). Hiện nay, ít địa phương triển khai chính sách này và có khác nhau trong việc quy định trách nhiệm (bắt buộc hay tự nguyện) của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về tiền cấp quyền là không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản; đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên và có giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua 13 năm thực hiện, chính sách "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản" đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.
Về sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên, đối với thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân tự kê khai sản lượng khai thác thực tế và nộp theo tháng và được quyết toán theo năm.
Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đang quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ phê duyệt theo trữ lượng khoáng sản, tổ chức, cá nhân sẽ nộp 1 lần vào đầu năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế theo thời kỳ (có thể 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm). Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp thừa sẽ được chuyển sang kỳ nộp tiếp theo, trường hợp nộp thiếu thì nộp bổ sung.
Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trên cơ sở quyết định phê duyệt và quyết toán thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp 1 năm 1 lần, không làm phát sinh thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đề xuất nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo và phần tiếp thu giải trình của các đơn vị liên quan. Đại biểu quan tâm đến vấn đề thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (điểm b khoản 1, Điều 35), quy định tất cả dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, có thời gian hoạt động lâu dài, còn lại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được triển khai.
Theo đại biểu, trên thực tế có nhiều công trình nhỏ như điện, đường, trường, trạm… phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai. “Điều này sẽ rất khó khăn và kéo dài thời gian chờ đợi không cần thiết, đặc biệt đối với các địa phương có nhiều khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nếu thực hiện theo dự thảo thì sẽ phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần sửa đổi để phù hợp, theo hướng chỉ cần quy định đối với những công trình, dự án mang tầm quốc gia”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị.
Còn theo đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho biết, dự thảo luật quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.
Theo đại biểu đoàn Quảng Ninh, quy định về thời hạn khai thác và thời gian gia hạn khai thác khoáng sản là chưa phù hợp với với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Luật Đầu tư quy định là các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm. Trên thực tế thì nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian trên cả đời của dự án vào khoảng trên 40 năm, rất nhiều dự án là 43-45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn.
“Mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy lại vừa làm, vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.
Đại biểu đoàn Quảng Ninh kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, điều kiện địa chất của khoáng sản, dự án và điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM cho rằng, khoáng sản là một thành phần quan trọng, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của quốc gia.
Theo dự thảo luật, nhóm 1 gồm kim loại và năng lượng, tuy nhiên chưa phân chia rõ ràng. Trong số đó có những kim loại và năng lượng cực kỳ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu khi tiến vào kỷ nguyên số với bán dẫn, xe điện, phòng không và quân sự…
“Vonfram Việt Nam chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới. Titan trữ lượng của chúng ta cũng đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Uranium chất cốt lõi trong công nghiệp hạt nhân. Băng cháy trên thềm lục địa trị giá hàng trăm tỷ USD chúng ta cũng có quyền khai thác…”, đại biểu TP.HCM dẫn chứng.
Theo đại biểu, không thể đánh đồng tất cả các tài nguyên trong nhóm 1 bởi một số trong đó mang tính chất tài nguyên chiến lược quan trọng. Phải có quy định rõ cho những tài nguyên này.
Với quy định hiện nay có thể chuyển nhượng các dự án thăm dò và khai thác khoáng sản. Điều này dẫn tới rất khó để nắm được ai là người có quyền quản lý và khai thác trữ lượng này, ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ quốc gia.
Nhiều quốc gia có quy định rõ ràng chính phủ có thể can thiệp không cho chuyển nhượng dự án nếu liên quan đến khoáng sản chiến lược trong khi dự luật hiện nay mới quy định quản lý chủ yếu do Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh.
“Tôi đề nghị cần có danh mục những khoáng sản chiến lược quan trọng, đặc biệt quan trọng, tất cả quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi trong một số trường hợp nó đụng đến phát triển lâu dài, chủ quyền dân tộc và an ninh quốc gia”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó có các ý kiến thảo luận về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; số lượng giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một tổ chức; quản lý khoáng sản nhóm IV; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản./.