Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững

Với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây sẽ không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các doanh nghiệp.
a030002941e4590f5a5dd907fd8d0cb9-1719472849.jpg
Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ 01/10/2023 và chính thức áp dụng từ 01/01/2026 buộc các doanh nghiệp phải thực hành giảm phát thải carbon và xây dựng tín chỉ carbon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.

Những kết quả trên cho thấy, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

z5578054365839-f216e57fe6f0df3a5c5e09749ddfc018-1719472749.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh HL

Đánh giá cao kết quả về chuyển đổi xanh, tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” lần thứ VIII năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: “Thời gian gần đây sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Để làm được điều đó, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050.” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo ông Erick Contreras – Đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham, Tổng Giám đốc BASF: Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục gỡ bỏ rào cản đồng thời làm rõ các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai dự án năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Ví dụ như điện mặt trời áp mái, trang trại gió, quản lý chất thải và cơ sở tái chế nguyên vật liệu, v.v.

z5578170749534-12bec10b755e69cd057b7f6c2568478d-1719472750.jpg
Các chuyên gia thảo luận về chuyển đổi xanh tại diễn dàn. Ảnh HL

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng công cộng trọng điểm, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Các hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm: điện lưới và các kết nối hỗ trợ, cơ sở tái chế và xử lý chất thải, mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện và xe buýt điện và các hạng mục khác. Chính phủ nên cân nhắc việc ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh đang góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

Cuối cùng, Chính phủ cũng nên chú trọng nâng cao nhận thức và phát triển năng lực liên quan chủ đề bền vững và ESG đối với cộng đồng tại Việt Nam và có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Eurocham và các hiệp hội doanh nghiệp khác.

Trong hành trình chuyển đổi và phát triển xanh, đối với các công ty Việt Nam, ông Erick Contreras lưu ý, cần tổng hợp, báo cáo và theo dõi lượng phát thải carbon hoặc khí nhà kính cũng như lượng chất thải và tổng tác động môi trường của hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Nguồn dữ liệu trên cần được kiểm tra và đánh giá bởi các tổ chức uy tín như các công ty kiểm toán/tư vấn. Đây sẽ là bước khởi đầu và tạo nguồn cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, các công ty Việt Nam cần xây dựng lộ trình phát triển bền vững rõ ràng và mang tính thực tiễn để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Lộ trình này bao gồm nguồn lực về vốn, nhân lực, công nghệ, v.v và có thể được theo dõi và báo cáo lên các cơ quan nhà nước.

Không những thế, các công ty Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm có được và trao đổi thực tiễn với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại. Cụ thể là những tổ chức có kinh nghiệm trong lộ trình phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Bằng cách này, các công ty Việt Nam có thể tránh được những rủi ro thường gặp và giảm khó khăn./.

Hương Lan