Đất sốt từng giờ: Chủ yếu "cò" bắt tay nhau thổi giá

Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động “đầu cơ” nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2022. Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng đất nóng lên từng giờ chủ yếu là cò đất bán cho nhau, bắt tay nhau thổi giá.

Từ đầu năm đến nay, giá bất động sản nhiều tỉnh thành trong cả nước tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt là sản phẩm đất nền đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, các nhà đầu tư luôn có tâm lý muốn đón đầu thị trường.

Còn nhớ đầu tháng 3/2021, sau khi có thông tin về đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc níc 500ha (huyện Hớn Quản, Bình Phước) hay sân bay Lai Khê (huyện Bàu Bàng, Bình Dương), giá đất quanh khu vực này được “cò” thổi tăng chóng mặt. Thế nhưng giá chỉ “sốt ảo” một thời gian ngắn rồi lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư bỏ tiền tỷ “ôm” đất khóc ròng.

Tại khu vực Thác số 4 (xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản), lúc trước là điểm giao dịch nhộn nhịp nhất, mỗi ngày có hàng trăm ô tô đến, người mua bán tấp nập. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, chỉ còn vài hàng quán vắng vẻ. 

Một người sống tại khu vực này từng ngậm ngùi chia sẻ, có lô đất 150m2 trước có giá 1,5 tỷ đồng, nhưng giờ bán 1 tỷ đồng không ai hỏi.

2697032419419951333726432932109412283551087n-16423004814971516887453-1649147900.jpg
Xảy ra tình trạng sốt đất là do "cò" bắt tay nhau thổi giá. Ảnh minh họa

Tương tự, tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, nơi giá đất tăng chóng mặt vào cuối tháng 3/2021, nhưng giờ cũng đóng băng, trầm lắng.

Để tạo ra kịch bản “sốt đất”, “cò” thuê hàng trăm ô tô dừng dọc các quán cà phê ven tuyến đường lớn ngồi bàn tán về xây dựng sân bay Lai Khê, về khu dân cư Lai Hưng hiện đại và quy mô sắp được xây dựng. Sau đó chia nhau giao dịch đất bằng chính tiền của nhóm “cò đất”, người trước vừa mua xong, đã có người sau “lùng sục” mua lại với giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Với màn “ảo thuật” ấy, chỉ vài ngày sau, cùng một lô đất đã tăng giá tới 4 lần, khiến không ít người hoa mắt. “Vào thời điểm đó, lô đất khoảng 100m2 có thổ cư 60m2 giá được đẩy lên đến 2,5 tỷ đồng. “Cò đất” làm tuồng rồi đi, trong khi một số người bị sập bẫy nay cùng lô đất đó bán 1,5 tỷ đồng không ai mua.

Ngoài ra, theo tiết lộ của anh Nguyễn Quang Huy (Hà Đông, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội, thực tế, khi đi xem đất tại các dự án, đa số là môi giới cài cắm vào làm khách, còn khách thực tế chỉ 5 -10%. Những người này ăn mặc sang trọng, đi ô tô đến xem, nhưng thực ra là phối hợp với cò chính đang “chăn” khách để diễn. Lô khách có nhiều người quan tâm sẽ khiến khách hàng nghĩ rằng đó là lô đất đẹp vì được nhiều nhà đầu tư nhìn trúng. Thậm chí để thổi giá lô đất, “cò” giả khách còn sẵn sàng xuống tiền thật đặt cọc luôn lô đất trước mặt khách. Và sau đó, nếu khách muốn mua phải bỏ ra số tiền chênh lênh lớn để mua lại hoặc nhanh chóng chốt 1 lô khác tại dự án.

Tại nhiều nơi, theo anh Huy, “cò” đất gồm 1 nhóm người hùn tiền chung nhau, sau đó gom đất giá rẻ, sau đó tung tin quy hoạch hoặc làm thị trường kiểu xu hướng đầu tư mới, rồi tự mua đi bán lại với nhau. Có lô đất sau 5 - 7 lượt mua đi bán lại, giá tăng chóng mặt theo ngày. Nhiều nhà đầu tư non nớt, thấy lô đất được lướt qua tay nhiều chủ có lời, cũng “ôm” vào nhưng không thể thoát hàng được sau đó.

Cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan dần ra các tỉnh thành ngay đầu năm 2022, các chuyên gia cho rằng, sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý. Các nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên những cơn sốt đất âm ỉ suốt thời gian qua.

"Thực chất sốt đất thời kì này chủ yếu là "sốt đất tâm lý". Bởi lẽ nhà đầu tư nào cũng muốn đón đầu thị trường, muốn có mặt ở những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào năm 2022 Quốc hội sẽ tạo chuyển biến bước ngoặt trong công tác xây dựng pháp luật, sẽ xem xét các Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đề án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về quy hoạch cùng với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đây nhằm thực hiện "03 đột phá chiến lược" đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, trước hết là "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính".

Đặc biệt là khi xem xét Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét lại và chấp thuận đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 đề nghị công nhận trường hợp nhà đầu tư "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở" vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông của pháp luật, vừa xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, vừa tháo gỡ "ách tắc" cho các dự án khu đô thị, nhà ở có quy mô diện tích lớn, khắc phục tình trạng "lệch pha cung-cầu" trên thị trường và tình trạng thiếu hụt nhà ở có giá phù hợp với thu nhập của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, người nhập cư.

Trước mắt, với nội dung quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021- 28/02/2022) và Điều 4 "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật" sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2022 trở đi) tháo gỡ "ách tắc" cho nhiều dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư "có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư"; đồng thời Nghị định 49/2021/NĐ-CP đã tăng cường các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, đi đôi với Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/08/2021 của Bộ Xây dựng quy định "các điều kiện và tiêu chí xét duyệt trúng thầu" để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội kể từ năm 2022 trở đi.

Anh Vân (t/h)