Đắk Nông tập trung phát triển vùng nguyên liệu mắc ca

Đắk Nông đã ban hành kế hoạch triển khai nhiều nội dung hướng trọng tâm vào mở rộng diện tích, phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu để xây dựng thương hiệu cho cây mắc ca địa phương trên cơ sở Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khoảng 6.506 ha; dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 10.923 ha; đến năm 2050 đạt khoảng 13.105 ha. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 1 vườn cây đầu dòng cung ứng cây giống mắc ca đáp ứng nhu cầu cây giống trên địa bàn tỉnh; định hướng vườn cây đầu dòng cung ứng cây giống mắc-ca là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông và Công ty mắc ca Nữ Hoàng, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Hình thành và phát triển vùng sản xuất mắc ca tập trung gắn với nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm; định hướng vùng sản xuất mắc ca tập trung gắn với nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các huyện Tuy Đức, Đắk Glong…

Địa phương cũng đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, hợp tác phát triển, nguồn vốn thực hiện,… gắn với vai trò trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương cấp huyện, thành phố Gia Nghĩa và đơn vị liên quan; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, phù hợp giữa quy định và thực tiễn; nhằm thúc đẩy phát triển cây mắc-ca theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.800 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong. Diện tích chủ yếu là trồng xen, chỉ có trên 500 ha trồng thuần. Hầu hết diện tích mới bước vào giai đoạn thu bói, hoặc bắt đầu thu chính, năng suất đạt mức khá, khoảng 1 tấn khô/ha.

6340f3c7d8eddd471ce351d7-mac-ca-dak-lak-08102022-high-1667558661.jpg
Nông dân đang thu hoạch mắc ca. Ảnh minh họa

Cây mắc ca cũng được Đắk Nông xây dựng là một trong số những cây trồng chủ lực của tỉnh, phù hợp để phát triển tại một số vùng có điều kiện thời tiết, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số với kỹ thuật canh tác chưa cao. Tuy nhiên, sản phẩm hạt mắc ca hiện nay đang gặp khó do trên địa bàn Đắk Nông hiện chưa có nhà máy, cơ sở chế biến sâu nên sản phẩm mắc ca sau thu hoạch chủ yếu bán cho thương lái hoặc được các cơ sở trên địa bàn thu mua, sơ chế, đóng gói theo phương pháp thủ công nên hiệu quả chưa cao.

Hiện, Đắk Nông đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu mắc-ca có đăng ký mã vùng trồng, hướng tới thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm mắc ca địa phương.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với Hiệp hội mắc ca Việt Nam để phát triển 8.000ha mắc ca giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, hai bên hợp tác trồng thuần khoảng 3.000ha, tương đương 1.000.000 cây; trồng xen 5.000ha, tương đương 500.000 cây. Việc phát triển mắc ca dựa trên tình hình quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Huyện Tuy Đức là địa phương phát triển cây mắc ca nhiều nhất với hơn 1.300ha mắc ca các loại. Giống mắc ca có hơn 15 dòng đang được trồng phổ biến tại các vườn rẫy của các hộ dân trên địa bàn huyện. Trong đó, khoảng 554 ha mắc ca của huyện Tuy Đức (chiếm 44% tổng diện tích mắc ca) bắt đầu bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, ngoài Tuy Đức, một số địa bàn khác như Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk R'lấp, Đắk Song đều có thể phát triển cây mắc ca.

Thi Nguyên (t/h)