Thực hiện Quyết định số 344 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; với mong muốn đưa Điện Biên trở "thành thủ phủ cây Mắc ca", trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây Mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, huyện Điện Biên đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, huyện Điện Biên có 4 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh cấp phép với quy mô trên 15.000ha.
Tính riêng năm 2021, huyện Điện Biên đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư dự án trồng Mắc ca công nghệ cao vào địa bàn huyện: Dự án trồng Mắc ca công nghệ cao tại xã Hua Thanh, Mường Pồn của Công ty CP Liên Việt Điện Biên với diện tích 6.832 ha; Dự án trồng Mắc ca công nghệ cao tại xã Na Tông, Núa Ngam của Công ty CP Mắc ca Liên Việt Điện Biên, diện tích dự kiến 5.058 ha.
Trong năm 2022, huyện Điện Biên đề ra mục tiêu phấn đấu trồng 4.500 ha cây Mắc ca, để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm huyện Điện Biên đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay, tổng diện tích đã đo đạc, quy chủ đạt trên 3.000 ha. Ngoài ra, các dự án trồng Mắc ca tại xã Mường Nhà, Mường Lói đang được huyện phối hợp, hỗ trợ khảo sát, lập dự án đầu tư.
Huyện Điện Biên cũng xác định để trồng được 4.500ha cây Mắc ca, thì khâu quan trọng nhất là tổ chức tuyên truyền cho người dân phối hợp đo đạc quy chủ cho các nhà đầu tư thực hiện các trình tự đất đai, để thực hiện các dự án trên địa bàn.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà hiện nay cây Mắc ca đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đã và đang trở thành loại cây công nghiệp thế mạnh của Điện Biên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án trồng cây mắc ca tại tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng cũng đang gặp một số khó khăn. Bên cạnh tình trạng người dân chưa thông suốt được chủ trương trồng cây mắc ca gây khó khăn cho công tác đo đạc, quy chủ đất, làm chậm tiến độ gây khó khăn cho nhà đầu tư, vướng mắc nhất phải kể đến các thủ tục đất đai, cụ thể là xác định hiện trạng đất, hình thức tham gia trồng mắc ca của người dân, trách nhiệm nhà đầu tư, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại. Đây chính là những nút thắt cần sớm tháo gỡ để nhanh chóng hoàn thành các dự án mà tỉnh đã phê duyệt nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, huyện Điện Biên cũng thành lập các tổ công tác, phối hợp với nhà đầu tư triển khai thực hiện từng dự án, trong đó có giải quyết các khó khăn vướng mắc về thủ tục đất đai. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích khi tham gia các dự án trồng cây mắc ca với nhà đầu tư. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án trồng rừng sản xuất, trồng cây mắc ca nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, qua đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn.
Các dự án trồng cây mắc ca được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích 50-60% do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích 40-50% thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hợp tác xã. Đây là mô hình đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật.