Đắk Nông phát triển cơ sở sơ chế, chế biến sâu nông sản

Đắk Nông là địa phương có nhiều loại nông sản có giá trị như: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn trái, rau củ quả… Những năm qua, nông sản Đắk Nông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, khâu sơ chế, chế biến sâu sau thu hoạch các loại nông sản vẫn đang hạn chế. Ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng đến đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến sâu nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 800 hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở tư nhân, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản. Trong đó, có 70 cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản, 26 kho đông lạnh với công suất 3.000 tấn. Những năm qua, nông sản luôn đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp Đắk Nông. Riêng năm 2021, nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Huyện Đắk Mil là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh với hơn 44.000 ha. Ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong nền kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân. Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, để ngành nông nghiệp phát triển, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư về kỹ thuật canh tác, giống, công nghệ cho người dân… Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công nghệ chế biến sâu.

“Tại Đắk Mil sản lượng chế biến sâu còn khiêm tốn. Sản lượng các loại nông sản còn xuất thô, việc khai thác tiềm năng để nâng cao giá trị còn hạn chế. Trong thời gian tới, huyện chú trọng công nghệ chế biến sâu gắn chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản, mang lại thu nhập cho người dân”, ông Hoàng chia sẻ.

vna-potal-dak-nong-tap-trung-phat-trien-co-so-so-che-che-bien-nong-san-stand-1645531540.jpeg

Phơi cà phê. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Không chỉ huyện Đắk Mil mà các huyện, thành phố tại Đắk Nông cũng đang chú trọng phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn đều ở quy mô nhỏ, công nghệ hạn chế. Các cơ sở phần lớn  chủ trương tập trung nhiều cho khâu sản xuất. Còn đối với khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản chưa được chú trọng. Do đó, giá trị sản phẩm nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

"Để có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, mỗi lĩnh vực trồng trọt cần kêu gọi được vài nhà máy sơ chế, chế biến tại chỗ theo hướng chuyên sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Xu hướng của tỉnh là xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu để thuận lợi cho người dân, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định", bà Tình chia sẻ. 

vna-potal-dak-nongg-tap-trung-phat-trien-co-so-so-che-che-bien-nong-san-stand-1645531540.jpeg

Chế biến quả macca. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên cho biết, hiện nay, một số hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã hình thành chuỗi liên kết, được cấp chứng nhận thực hành sản xuất tốt; có đăng ký và được cấp nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể để bảo hộ trong nước và quốc tế. Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng có sự thay đổi theo xu thế hiện đại, toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của tỉnh vẫn chưa thực sự có "tên tuổi" trên thị trường.

Để nâng tầm giá trị nông sản, người nông dân cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… có chỉ dẫn địa lý, đăng ký sử dụng, có mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường thế giới. Để làm được điều đó, tỉnh định hướng người dân tập trung chế biến sâu; đồng thời, người nông dân cần thay đổi nhận thức trong việc tư duy sản xuất, hướng đến kinh tế nông nghiệp.

Và để tập trung phát triển cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, tỉnh Đắk Nông đã ban hành chương trình hành động về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3 - 4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Toàn tỉnh có từ 10 doanh nghiệp trở lên đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cấp, ứng dụng công nghệ cho ít nhất 50% số cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản hiện có…./.