Tiền Giang: Giá nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười tăng trở lại sau Tết

Từ đầu năm đến nay, nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã thu hoạch đầu vụ được gần 40.000 tấn dứa, 3.800 tấn khoai mỡ, trên 4.800 tấn trái cây các loại; trong đó, có trên 2.500 tấn thanh long ruột đỏ, còn lại là chanh, mít, trái cây khác.

Đáng mừng là thời điểm sau Tết, khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, giá nhiều loại nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) đã tăng mạnh trở lại. Nông dân phấn khởi, tập trung chăm sóc để giành những vụ mùa bội thu, bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh bùng phát lần thứ tư trong năm vừa qua.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Đoàn Văn Tuấn chia sẻ, những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, giá dứa có thời điểm thương lái thu mua từ 8.500 - 9.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, khoai mỡ gần 20.000 đồng/kg, mít Thái cũng dao động trong khoảng từ 13.000 -15.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá nông sản đều tăng gấp 2 - 3 lần so với khi dịch bùng phát và địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021 vừa qua. Theo nhận định chung, các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) tăng giá trở lại cho thấy các hoạt động sản xuất, giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định sản xuất và đời sống, an sinh xã hội cho người dân.

f7ffe1e6d3cc2f03f097d4dd38862eed-1645423538.jpeg
Người dân thu hoạch thanh long. Ảnh minh hoạ

Đồng thời, các giải pháp kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng của địa phương cũng phát huy hiệu quả trong đời sống, nhân dân an tâm và tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khôi phục kinh tế - xã hội khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Theo đó, việc đa dạng hóa thị trường cho nông sản nói chung, quan tâm phát huy thị trường nội địa cùng vai trò các kênh tiêu thụ khác song song với đẩy mạnh xuất khầu nông sản theo đường chính ngạch.... cũng như chú trọng chế biến, sơ chế nâng cao giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương.

Ông Đoàn Văn Tuấn cho biết, riêng về trái dứa, tại huyện Tân Phước đã có hàng trăm cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ trái dứa. Đặc biệt, ngành nghề thủ công làm nước màu dứa, kẹo dứa, nước giải khát từ trái dứa ở huyện Tân Phước đang phát triển mạnh cũng góp phần nâng cao giá trị trái dứa chủ lực, giúp giá dứa phục hồi và tăng mạnh thời điểm sau Tết, khi dịch bệnh được kiểm soát và địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, năm 2022 và các năm tiếp theo, địa phương chú trọng tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ trên nông sản chủ lực gắn với các giải pháp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong khuôn khổ các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm đảm bảo đầu ra nông sản, ổn định giá tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng trúng mùa – mất giá và nông dân hưởng lợi.

Nông dân Cổ Kim Hoàng có 4 ha canh tác theo mô hình VAC tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ; trong đó, chủ lực là trồng dứa kết hợp nuôi cá thịt trong ao mương vườn phấn khởi cho biết, với năng suất bình quân 20 tấn/ ha, mỗi năm, gia đình ông đạt sản lượng dứa khoảng 80 tấn, bán trử chi phí còn lãi từ 50 - 60% tổng thu, chưa kể nguồn lợi từ nuôi cá trong ao mương mỗi năm thu thêm khoảng 50 triệu đồng. Nhờ hiệu quả mang lại từ mô hình VAC, ông Cổ Kim Hoàng tạo dựng được cơ nghiệp bền vững, được vinh danh là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu trên miền đất mới./.