Da giày có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam sang Canada

Với tốc độ tăng trưởng ghi nhận trong những tháng vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Canada nhận định, da giày sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiếp theo của Việt Nam sang Canada.
da-giay-1696308103.jpg
Mặt hàng da giày vẫn giữ vững thị phần tại Canada. Ảnh minh họa

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 5,47 tỷ USD vào Canada, tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. trong khối ASEAN tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn tất cả các quốc gia trong khu vực như: Indonesia, Malaysia hay Thái Lan...

Ngoài ra, trong khối ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 43% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Đáng chú ý, trong nhóm các nước ASEAN, Philippines đang là nước có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu vào địa bàn cao nhất, đến gần 25%. Nhiều mặt hàng Canada đang quan tâm nhập khẩu từ Philippines như: Cao su, sắt thép... đều là những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, top 4 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai chữ số: Điện tử, điện thoại di động tăng 22,1%, da giày tăng 16,7%,  quần áo dệt kim tăng 16,9, lò phản ứng nồi hơi tăng 29,7%)...

Riêng đối với ngành da giày, tính cả trung chuyển từ Hoa Kỳ, đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu da giày, túi xách vào thị trường Canada (mã HS 64, 42) đã đạt 593 triệu USD, trong đó mã HS 64 tiếp tục tăng trưởng 16,7% và mã HS 42 tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nhập khẩu trong kỳ của Canada đối với hai nhóm mặt hàng này là 2,8 tỷ USD. Tức là riêng Việt Nam chiếm khoảng trên 21% thị phần.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, Thương vụ lưu ý, do thị trường Canada tương đối nhỏ nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường nhập khẩu, trong đó lưu ý đến các quy định ghi nhãn. Các nhà nhập khẩu Canada yêu cầu, sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ Hướng dẫn ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm thực phẩm của Cơ quan kiểm soát thực phẩm Canada, theo các tiêu chuẩn quy định tại Luật tiêu chuẩn an toàn thực phẩm dành cho người Canada (SFCR). 

Trong đó, phải ghi đầy đủ các thông tin: Tên sản phẩm, khối lượng, thành phần, hạng/loại sản phẩm nhà/nước sản xuất, nhà nhập khẩu, số lô, số code PLU bằng hai thứ tiếng. Canada đang tiến đến yêu cầu ghi mã GTINS (Mã số thương mại toàn cầu)/mã PLU. Các sản phẩm nhập khẩu phải có chứng nhận xuất xứ để khai báo hải quan. Canada công nhận và khuyến khích các doanh nghiệp có chứng nhận Global GAP, GMP, HACCP...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều thị trường/ngành hàng có xu hướng sụt giảm, Thương vụ Việt Nam tại Canada quyết định tham gia Hội chợ dệt may-da giày Toronto diễn ra từ 13-15/11/2023 và có gian hàng tại đây để đảm bảo sự hiện diện của ngành dệt may-da giày Việt Nam tại Canada. Riêng đối với ngành da giày, Thương vụ sẽ hỗ trợ trưng bày và kết nối miễn phí cho Hiệp hội da giày-túi xách và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hiệp hội tại gian hàng của Thương vụ.

Đông Nghi