Ngành dệt may, da giày với mục tiêu giữ vững vị trí sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới

Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu tổng quát nhằm phát triển thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày hàng đầu thế giới.

Năm 2022 là năm thách thức của ngành dệt may và da giày khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến nhu cầu hàng dệt may, giầy dép sụt giảm. Trong nửa cuối năm, khó khăn bủa vây, lạm phát tác động đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may và da giày vẫn đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, ngành dệt may và da giày đã mang về kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 44 tỷ USD; da giày - túi xách đạt 27 tỷ USD.

Tiếp nối động lực tăng trưởng, năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD; ngành da giày phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại cho rằng khó có thể bảo đảm được sự tăng trưởng tốt như năm 2022. Bởi đang có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành như lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

Trước những khó khăn đó, mới đây Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,8-7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,2-7,7%/năm. Năm 2025 đạt 77-80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106-108 tỷ USD.

det-may-1674606526.jpg
Ngành dệt may, da giầy với mục tiêu giữ vững vị trí sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa

Theo định hướng chung, ngành dệt may và da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may và da giày Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu. Đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về ngành dệt (bao gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao... đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật. Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may và da giày lớn; ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. Ngành may lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao.

Về phát triển ngành da giày, chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, túi xách thông dụng và thời trang. Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, tập trung mạnh hơn vào phát triển mẫu mốt thời trang, nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới, quan tâm tới nghiên cứu nhu cầu thị trường. Phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại ba miền Bắc, Trung, Nam và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Về công nghiệp hỗ trợ, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Theo Quyết định, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan phổ biến nội dung của Chiến lược. Đồng thời, tăng cường hơp tác quốc tế dể nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may, da giày theo hướng hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động, môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường hoạt động quản lý thị trường, kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận xuất xứ, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, hàng năm bố trí nguồn vốn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp dệt may, da giầy trong đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành dệt may, da giầy nhằm chủ động nắm vững các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại để có định hướng kinh doanh phù hợp và bền vững./.

Đông Nghi