Các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam và khu vực sẽ có cơ hội khám phá giải pháp công nghệ tiên tiến về thức ăn chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe vật nuôi, sản xuất bột sữa béo thực vật hay vi sinh dinh dưỡng. Nhân dịp này, các đơn vị triển lãm Pháp cũng sẽ giới thiệu máy móc, thiết bị với công nghệ hàng đầu trong ngành chăn nuôi và di truyền học, với trọng tâm là giống gia cầm. Đây sẽ là cơ hội giao thương được mong chờ của tất cả các doanh nghiệp trong ngành sau những năm vắng bóng do đại dịch Covid-19.
Triển lãm chăn nuôi quốc tế ILDEX Việt Nam 2022 sẽ mở ra triển vọng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các tên tuổi lớn trong ngành chăn nuôi Pháp. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 3% hàng năm, ngành chăn nuôi Việt Nam ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ về nguyên liệu đầu vào cũng như các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đây là thị trường năng động, đầy tiềm năng và đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Pháp chưa thâm nhập thị trường Việt Nam.
Triển lãm quốc tế ILDEX là cơ hội để các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới mở rộng các hoạt động của họ trong ngành chăn nuôi, thủy sản, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, bằng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực.
Pháp là quốc gia đứng thứ 4 trong danh sách các nước xuất khẩu động vật sống vào Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 500 triệu Euro. Pháp cũng là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn thứ 6 của Việt Nam. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phát triển vượt trội với tốc độ tăng trưởng 10 - 15% hàng năm, từ đó thúc đẩy nhu cầu về trang thiết bị, giải pháp công nghệ hiện đại. Đây chính là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Pháp. Đồng thời, nói đến nước Pháp, có lẽ không nhiều người xa lạ với nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới theo GDP danh nghĩa và lớn thứ 2 tại Châu Âu. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng nền nông nghiệp Pháp cũng đứng thế 6 thế giới về sản lượng và đứng đầu Liên minh Châu Âu (EU).
Những sản phẩm nông sản “Made in France” luôn là niềm tự hào của nước Pháp khi mỗi nông dân tạo ra được thêm 5-7 việc làm cho ngành chăn nuôi hay chế biến. Mặc dù chỉ chiếm gần 4 % lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp Pháp đủ sức nuôi toàn dân.
Nông nghiệp đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế Pháp khi đóng góp 3% tổng GDP. Đặc biệt, những sản phẩm nông nghiệp của Pháp như rượu vang, sữa, thịt bò, củ cải đường đều có sản lượng và chất lượng hàng đầu thế giới. Để làm được điều này, chính phủ Pháp thành lập một hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vô cùng chặt chẽ. Theo Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp, nước này thực hiện khoảng 30.000 cuộc kiểm tra với các doanh nghiệp và 60.000 cuộc kiểm tra với các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo hàng nông sản của nước này luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tại các trang trại, động vật chăn nuôi được gắn mã số suốt đời, được kiểm nghiệm hàng tuần về chất lượng và sẽ bị phạt nặng cũng như hủy bỏ nếu vi phạm. Ngoài ra, Pháp thành lập khá nhiều các nghiệp đoàn nhằm đảm bảo chất lượng thịt giết mổ cũng như những sản phẩm nông sản khác. Nổi tiếng nhất trong số đó là nghiệp đoàn đa nghề (Fict) và Hội liên ngành rau củ quả (Interfel).